Cốp pha trong xây dựng là một công cụ thi công rất cần thiết và quan trọng cho việc đúc bê tông tại công trình. Có nhiều loại cốp pha trong xây dựng có chất liệu cũng như đặc tính khác nhau phù hợp với từng loại công trình.
Trong xây dựng, cốp pha có 2 chức năng chính:
- Một là chống lực đẩy của bê tông ướt và đảm bảo kích thước hình học theo thiết kế của cấu kiện bê tông.
- Hai là quyết định chất lượng bề mặt bê tông.
Cốp pha trong xây dựng có ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian thi công. Đến chi phí và đặc biệt là chất lượng công trình.
Nhiều người chỉ quan tâm đến việc lựa chọn kết cấu công trình sao cho chi phí về vật liệu bêtông và sắt thép hạ thấp nhất. Mà không chú trọng đến yếu tố cốp pha và biện pháp đúc bêtông công trình.
Trong một số bộ phận công trình, kinh phí cho cốp pha còn cao hơn kinh phí cho vật tư bêtông và sắt thép của bộ phận công trình đó. Chính vì thế, khi thi công chủ đầu tư cần phải rất lưu ý đến yếu tố này để bảo đảm về mặt kết cấu, thi công. Đặc biệt là dự toán được chi phí.
Cấu tạo của cốp pha trong xây dựng bao gồm:
- Ván mặt là phần tiếp xúc trực tiếp với bê tông, quyết định hình dạng, kích thước và chất lượng bề mặt kết cấu.
- Sườn cứng, liên kết với ván mặt, tăng độ cứng cho cốp pha.
- Các phụ kiện liên kết dùng để liên kết các tấm cốp pha với nhau trong cùng một mặt phẳng hoặc ở những mặt phẳng khác nhau. Liên kết cốp pha với hệ chống đỡ.
Phân loại cốp pha
Trong xây dựng, cốp pha có 4 loại chính:
1. Cốp pha thép định hình
Là loại cốp pha thép được chế tạo gia công cơ khí từ những khung thép định hình (thép hộp, thép u …) và căng bề mặt bằng tấm thép mỏng. Do đó người ta quan tâm đầu tiên đến loại cốt thép này chính là vật liệu chế tạo và giá thành chế tạo ra sản phẩm này.
Theo thống kê giá thành chế tạo 1m2 cốp pha loại này từ 1,5 – 2,0 triệu/ m2 tùy chiều dày lớp tôn căng mặt và mật độ lớp xương chịu lực.
+ Giới thiệu phương pháp thi công:
Do bị giới hạn về trọng lượng nặng nề nên cốp pha sắt thường được chế tạo các với diện tích nhỏ (kích thước 1500 x 300 hoặc 2000 x 400 …). Nên quá trình thi công sẽ cần rất nhiều nhân công để ghép những tấm nhỏ thành một diện tích lớn. Và đòi hỏi hệ thống giàn giáo dày chắc chắn để đảm bảo khả năng chịu tải. Với những tấm có kích thước lớn đòi hỏi phải có cẩu phục vụ thì cần tính thêm chi phí ca cẩu vào đơn giá.
+ Vận chuyển và bảo quản:
Do khối lượng nặng nề nên việc vận chuyển, bốc dỡ loại cốp pha này thường nặng nhọc và tốn kém hơn. Hơn nữa do chế tạo bằng sắt có khả năng dính bám bê tông, vữa xây dựng rất cao. Do đó khi lắp đặt cần phải xử lý bề mặt đồng thời những biến dạng (móp, vênh, cong …) do quá trình tháo dỡ, vận chuyển cần phải gia công xử lý lại cũng thật tốn kém.
+ Mỹ quan khối đổ:
Do những hạn chế về độ phẳng của bề mặt từng tấm và khi tổ hợp nhiều tấm nhỏ. Khả năng bám dính bề mặt nên nhìn chung mỹ quan khối đổ không được đảm bảo. Cần thêm nhân công sửa chữa (mài, đục, chát bù …). Mặt khác còn phát sinh thêm vật liệu xây dựng và nhân công trát trần … để tạo mặt phẳng trước khi matiz hoặc sơn.
+ Lắp đặt & tháo dỡ:
Việc lắp đặt, tháo dỡ trở lên khó khăn hơn vì bề mặt bám dính sắt và bê tông. Với hệ thống chốt khóa, nối cũng phức tạp. Với một diện tích sàn lớn thì việc sử dụng cốp pha sắt dường như bất khả thi và không hiệu quả.
2. Cốp pha gỗ tự nhiên
Loại cốp pha này được ghép từ những thanh gỗ tự nhiên. Xẻ theo độ dày phù hợp tạo thành mặt phẳng phục vụ việc đổ bê tông vào khối. Ở các công trình nhà ở, đặc biệt là nhà cấp 4, nhà 1, 2 tầng ở nông thôn. Việc sử dụng cốp pha gỗ được rất nhiều chủ nhà áp dụng. Do nguyên liệu dễ tìm cũng như cách thức thi công khá đơn giản.
Cũng giống như cốp pha thép định hình, cốp pha gỗ tự nhiên thường được gia công với diện tích nhỏ. Để tạo thành khuôn đổ bê tông đòi hỏi nhân lực cần phải ghép các tấm mỏng với nhau. Bên cạnh đó, việc sử dụng cốp pha gỗ tự nhiên cũng phát sinh thêm chi phí lớp phủ tạo bề mặt ván khuôn.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, cốp pha gỗ tự nhiên còn bị các yếu tố như nhiệt độ, thời tiết…Tác động trở nên cong vênh, bề mặt dễ bị biến dạng dẫn đến bề mặt khối đổ nhìn chung không đảm bảo. Chính vì thế, dựa vào những kinh nghiệm xây nhà thực tế cũng như những ưu, nhược điểm của từng loại cốp pha. Chủ đầu tư có thể lựa chọn được từng loại cốp pha phù hợp với đặc tính của công trình nhà mình.
3. Cốp pha gỗ công nghiệp
Cũng được sản xuất từ gỗ tự nhiên. Cốp pha gỗ công nghiệp được xử lý, chế biến để đảm bảo tính chất cơ lý, hóa học đồng đều hơn. Tuy không yêu cầu khắt khe về độ lớn hay tuổi thọ cây gỗ. Nhưng cốp pha loại này vẫn có bề mặt phẳng và chống dính tốt do được phủ lớp phim cứng và bóng.
Ưu điểm của cốp pha gỗ công nghiệp
Được chế tạo với kích thước lớn, độ đồng đều cao. Bề mặt và các cạnh phẳng nên việc thi công, lắp ghép rất dễ dàng và nhanh chóng. Các tấm cốp pha công nghiệp có thể được liên kết với nhau dưới nhiều hình thức như đóng đinh, bắt vít, khoan… Bên cạnh đó, các lớp gỗ trong tổng thể một tấm được liên kết với nhau bằng lớp keo có khả năng bám dính tốt. Có khả năng chịu nước và độ ẩm cao. Từ đó tạo ra khối bê tông có bề mặt phẳng, đạt mỹ quan.
Với những ưu điểm nổi bật như vậy. Hiện nay cốp pha gỗ công nghiệp đang là lựa chọn phổ biến cho doanh nghiệp xây dựng khi thi công. Đặc biệt là trong thi công các công trình có diện tích sàn lớn.
4. Cốp pha Composite – Nhựa tổng hợp
Là loại cốp pha được sản xuất trên dây chuyền công nghiệp. Đạt tới độ chuẩn kích thước rất cao. Đa dạng về hình dạng, đang được sử dụng rộng rãi ở các nước phát triển.
Cốp pha Composite – Nhựa tổng hợp nhìn chung có đặc điểm giống với cốp pha gỗ công nghiệp. Nhưng nó có ưu điểm hơn về trọng lượng (nhẹ hơn cốp pha gỗ công nghiệp). Có khả năng tái sử dụng nhiều lần, trong nhiều môi trường khác nhau.
Tuy nhiên, cốp pha Composite – Nhựa tổng hợp hiện nay chưa được sử dụng rộng rãi ở nước ta do đòi hỏi dây chuyền sản xuất lớn, công nghệ tốn kém. Chi phí nguyên liệu cũng như giá thành nhập khẩu cao.
Hy vọng với bài viết một số loại cốp pha trong xây dựng trên sẽ giúp bạn có thêm những hiểu biết. Có thêm cho mình những kinh nghiệm xây nhà quý báu để hoàn thiện được ngôi nhà mơ ước của gia đình mình.