Những thực phẩm bà bầu nên tránh

0
3066

Khi bạn đang mang thai, có rất nhiều điều mà bạn cần phải suy nghĩ, đặc biệt là về chế độ ăn.

Bạn sẽ cần phải từ bỏ một số thói quen cố hữu của mình và học cách duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, để có thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho em bé và tránh được những loại thực phẩm có hại cho cả 2 mẹ con. Dưới đây là 10 loại thực phẩm bạn nên thận trọng nếu sử dụng trong khi mang thai.

Sữa chưa tiệt trùng

Phụ nữ mang thai nên đặt mục tiêu uống 3-4 khẩu phần sữamột ngày. Sữa rất giàu canxi, protein và vitamin D để giúp em bé hình thành xương, răng, trái tim và các dây thần kinh. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại sữa đều an toàn cho phụ nữ mang thai.

Phụ nữ mang thai nên tránh các loại sữa tươi chưa tiệt trùng và tránh các sản phẩm làm từ sữa tươi chưa tiệt trùng. Hãy kiểm tra nhãn thực phẩm xem liệu loại sữa, hay pho mát bạn định ăn đã được tiệt trùng hay chưa. Quá trình tiệt trùng sẽ giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn có thể gây hại cho bạn. Các loại pho mát chưa tiệt trùng có thể (nhưng không phải luôn luôn) có chứa vi khuẩn Listeria, một loại vi khuẩn có thể gây sảy thai.

Thịt chế biến sẵn

Với một bữa ăn vội vàng, thì bánh mỳ là lựa chọn khá hoàn hảo với nhiều người. Tuy nhiên, nếu bạn đang mang thai, bạn nên xem kỹ thành phần của loại bánh mỳ mà mình định ăn. Vì nguy cơ nhiễm vi khuẩn listeria, nên bạn cần tránh các loại thịt nguội chế biến sẵn, ví du như dăm bông, xúc xích hun khói và xúc xích thường.

Listeria là loại vi khuẩn duy nhất có thể tiếp tục phát triển ở nhiệt độ lạnh. Đa số những người trưởng thành khỏe mạnh sẽ không phản ứng với vi khuẩn này, nhưng đây là loại vi khuẩn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ với phụ nữ mang thai. Các loại thịt nên được làm nóng tới nhiệt độ ít nhất là 75 độ để tiêu diệt được Listeria.

Hình ảnh minh họa

Salad

Salad thường có chứa rau xanh và trái cây, do vậy salad thường được coi là một trong số những loại thực phẩm lành mạnh nhất mà bạn có thể ăn. Tuy nhiên, bạn sẽ rất bất ngờ khi biết rằng, bạn nên tránh ăn các loại salad đã được chuẩn bị sẵn tại các quán cafehoặc các quán ăn ven đường.

Có rất nhiều mối lo ngại liên quan đến những loại salad chuẩn bị sẵn này. Ví dụ như, liệu nhiệt độ tủ lạnh bảo quan salad có thường xuyên ở dưới mức 4 độ C? Liệu món salad chuẩn bị sẵn đã quá 2 tiếng hay chưa? Hay liệu có bất cứ loại phô mai chưa tiệt trùng nào được sử dụng trong món salad chuẩn bị sẵn hay không?

Nếu câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên là có, thì rất có thể, món salad đã bị phơi nhiễm với vi khuẩn Salmonella, Listeria, hoặc E. Coli. Tốt nhất, bạn nên tự chuẩn bị món salad tại nhà, sau khi đảm bảo rằng tất cả các loại rau quả đã được rửa sạch.

Nước hoa quả chưa tiệt trùng

Uống nước ép hoa quả là một cách vô cùng tuyệt vời để bổ sung thêm nhiều khẩu phần trái cây và rau xanh vào chế độ ăn hàng ngày của bạn. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại nước ép hoa quả đều an toàn, vì chúng có thể chứa E.coli hay Listeria và có thể gây nguy hiểm cho em bé đang phát triển.

Bạn nên tránh uống các loại nước ép được ép/vắt tại các hội chợ nông sản trái cây vì bạn sẽ không thể biết được ly nước đó đã được ép bao lâu rồi. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể ép, vắt nước trái cây tại nhà và uống ngay sau khi ép. Các loại nước trái cây đóng hộp cũng tương đối an toàn, miễn là chúng đã được tiệt trùng.

Thịt chưa nấu chín và cá sống

Khi đang mang thai, bạn nên nói lời tạm biệt với các món bít tết hoặc sushi mà bạn yêu thích. Vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác có thể sẽ phát triển rất mạnh trong thịt và hải sản chưa được nấu chín.

Do vậy, các mẹ bầu nên đặc biệt thận trọng trong việc chuẩn bị bữa ăn và cần làm nóng thực phẩm đến nhiệt độ an toàn. Bạn cần nấu thịt với nhiệt độ ít nhất là 65 độ C và thức ăn thừa nên được hâm nóng lại tới nhiệt độ ít nhất là 75 độ C.

Trứng chưa nấu chín kỹ

Trứng là nguồn cung cấp vitamin, protein và các chất khoáng rất tuyệt vời. Nhưng nếu bạn mang thai, bạn cần đảm bảo rằng trứng đã được nấu chín kỹ, với lòng đỏ và lòng trắng đã được nấu chín và cứng lại. Các nguồn thực phẩm chứa trứng sống mà có thể sẽ khiến bạn bất ngờ bao gồm kem, sốt mayonnaise, cocktail kem, sốt salad…

Nguy cơ nhiễm Samonella là rất cao nếu ăn trứng hoặc các sản phẩm làm từ trứng chưa được nấu chín. Bạn cũng nên bảo quản trứng trong tủ lạnh và kiểm tra hạn sử dụng của các loại trứng trước khi sử dụng.

Cà phê

Cà phê là một mối lo ngại lớn. Tiêu thụ một lượng lớn cà phê có liên quan tới sảy thai, do vậy, bạn nên cắt giảm lượng cà phê mà mình uống trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, tin tốt là bạn sẽ không phải cắt giảm hoàn toàn lượng cà phê. Tiêu thụ khoảng 200mg caffein một ngày được cho là an toàn. Lượng caffein này tương đương với khoảng 1-2 ly cà phê/ngày.

Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể sẽ nhạy cảm với caffeinhơn trong quá trình mang thai. Nếu bạn quyết định vẫn uống cà phê trong khi mang thai, bạn nên ghi chép lại các nguồn thực phẩm khác cũng chứa caffein mà mình đã tiêu thụ trong ngày, ví dụ như chocolate và thức uống năng lượng.

Cá có chứa thủy ngân

Phụ nữ mang thai cần phải tránh ăn cá có chứa thủy ngân vì đây là chất hóa học có thể tích tụ lại trong cơ thể. Thủy ngân có thể gây tổn thương hệ thần kinh. Do vậy, phụ nữ mang thai nên tránh ăn cá mập, cá kiếm, cá kình, cá thu và cá ngừ đóng hộp, vì những loại cá lớn như vậy sẽ có khả năng tích tụ nhiều thủy ngân hơn.

Tuy nhiên, tin tốt là bạn vẫn có thể tăng cường lượng protein chất lượng cao và axit béo omega 3 thông qua việc ăn một số loại quá khác như cá rô phi, cá hồi, sò, cá ngừ trắng đóng hộp.

Gan

Vitamin A là chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển của phôi thai, giúp hồi phục các mô sau quá trình chuyển dạ và sinh nở. Đa số phụ nữ đều có thể cung cấp đủ vitamin A thông qua việc uống các loại vitamin dành riêng cho bà bầu, cũng như thông qua trái cây và rau xanh, thịt, trứng thông thường.

Tuy vậy, quá nhiều vitamin A lại có hại cho em bé bởi có thể gây ra dị tật bẩm sinh. Một khẩu phần gan bò chứa khoảng 431% lượng vitamin A khuyến nghị một ngày, do vậy, tốt nhất bạn nên tránh ăn gan cho đến khi bạn sinh xong.

Rượu

Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng, phụ nữ nên tránh uống rượu trong suốt thai kỳ để dự phòng hội chứng ngộ độc rượu ở trẻ sơ sinh.

Một số bác sỹ nói rằng, thỉnh thoảng uống một ly rượu nhẹ thì không có vấn đề gì, nhưng CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ) vẫn khuyến cáo rằng phụ nữ nên tránh uống rượu. Mặc dù chưa có bằng chứng nào cho thấy uống một lượng rượu nhỏ sẽ gây hại cho em bé, nhưng cũng chưa có bằng chứng nào cho thấy rằng rượu không gây hại cho em bé cả.

Do vậy, để đảm bảo an toàn, tốt nhất bạn nên tránh tất cả các loại rượu và đồ uống có cồn trong suốt 9 tháng của thai kỳ. Thời gian nguy hiểm nhất để uống rượu thường là cuối 3 tháng đầu thai kỳ.

0 BÌNH LUẬN