Những lưu ý khi dùng thuốc sắt cho bà bầu

0
3095

Các loại thuốc sắt cho bà bầu thường được bác sĩ khuyên dùng trong thời kỳ mang thai, vì đây là giai đoạn cơ thể cần nhiều máu hơn để nuôi thai nhi. Tuy nhiên, những thông tin về thời gian dùng thuốc sắt cũng như các tác dụng phụ của thuốc đối với phụ nữ mang thai không phải ai cũng biết.

Trong thai kỳ, nếu không được cung cấp đủ lượng sắt thiết yếu hàng ngày, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy mệt mỏi, nguy cơ nhiễm trùng gia tăng. Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt trong tsáu tháng đầu của thai kỳ làm tăng nguy cơ sinh non lên gấp đôi và nguy cơ trẻ sinh ra nhẹ cân tăng gấp ba lần.

Hình ảnh minh họa 

Tại sao thuốc sắt cho bà bầu lại quan trọng đối với phụ nữ mang thai?

Cơ thể sử dụng sắt để tạo ra hemoglobin, một loại protein được tìm thấy trong các tế bào hồng cầu, giúp mang oxy đến các mô và cơ quan. Khi mang thai, cơ thể phải sản xuất nhiều máu hơn để nuôi thai nhi cũng như cơ thể người mẹ. Trong giai đoạn này, cơ thể cần bổ sung thêm chất sắt để tạo máu hỗ trợ sự tăng trưởng nhanh chóng của thai nhi.

Trong trường hợp bạn không được nhận đủ chất sắt từ chế độ ăn uống, cơ thể sẽ sử dụng lượng sắt dự trữ, dẫn đến nguy cơ bị thiếu máu. Tình trạng phụ nữ mang thai bị thiếu sắt rất phổ biến. Ước tính có khoảng một nửa thai phụ trên toàn thế giới bị thiếu sắt.

Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai làm tăng nguy cơ sinh non lên gấp đôi và nguy cơ trẻ sinh ra nhẹ cân tăng gấp ba lần.

Thực tế là tình trạng thiếu sắt có thể phòng ngừa và điều trị một cách dễ dàng. Trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba, bác sĩ sẽ cho bạn làm các xét nghiệm để xem bạn có bị thiếu sắt hay không. Nếu số lượng hồng cầu của bạn thấp, bác sĩ sẽ kê toa cho bạn uống vitamin có bổ sung sắt.

Lưu ý là trong thời kỳ mang thai, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc, thảo dược nào. Điều này giúp đảm bảo sức khỏe cho bạn và bé.

Bổ sung sắt khi mang thai bao nhiêu là hợp lý?

Các thuốc sắt dành cho bà bầu thường được bác sĩ khuyên dùng trong thời kỳ mang thai. Các chuyên gia đề nghị mẹ bầu nên uống khoảng 27mg sắt/ngày trong thời gian mang thai. Có 3 loại thuốc bổ sung sắt: gluconate sắt, fumarate sắt và sắt sulfat. Cả ba loại này đều tốt miễn là chúng có chứa hàm lượng sắt nguyên tố thích hợp.

Thuốc sắt cho bà bầu nên uống khi nào? Bạn có biết cơ thể hấp thụ sắt tốt nhất khi bụng đói. Vì vậy bạn hãy uống thuốc bổ sung sắt cho bà bầu trước khi đi ngủ hoặc khi mới thức dậy vào buổi sáng. Bạn cũng có thể tránh một số loại thực phẩm nhất định làm giảm sự hấp thụ sắt trong cơ thể, như thực phẩm giàu canxi và caffeine. Bạn hãy chắc chắn sử dụng chúng ít nhất vài giờ trước hoặc sau khi uống viên bổ sung sắt. Ngoài ra, bạn nên chú ý sử dụng nguồn thực phẩm giàu canxi trong suốt thai kỳ. Các chất dinh dưỡng khác có thể thúc đẩy sự hấp thụ sắt trong cơ thể, như vitamin C, do vậy bạn có thể uống viên sắt bổ sung với một cốc nước trái cây giàu vitamin C.

Ngoài ra trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, bạn nên bổ sung ít nhất 9mg  sắt/ngày.

Hàm lượng sắt dùng trong thai kỳ bao nhiêu là đủ?

Nhóm mục tiêu  Phụ nữ mang thai
Liều lượng  30–60 mg sắt nguyên tố
Tần suất  Mỗi ngày
Thời gian  Trong suốt thời kỳ mang thai, bắt đầu càng sớm càng tốt

Những người sống ở vùng mà tình trạng thiếu máu khi mang thai là vấn đề nghiêm trọng sẽ được khuyên dùng 60mg nguyên tố sắt/ngày. Nếu các chẩn đoán lâm sàng cho thấy bạn bị thiếu máu, bác sĩ có thể đề nghị bạn bổ sung 120mg nguyên tố sắt/ngày kèm theo 0,4mg axit  folic cho đến khi nồng độ hemoglobin trở lại bình thường. Sau đó, bác sĩ có thể sẽ chỉ định bạn quay trở lại với liều chuẩn từ 30–60mg sắt nguyên tố/ngày. Việc uống bổ sung sắt có thể làm giảm khả năng hấp thụ kẽm từ chế độ ăn uống nên bác sĩ có thể theo dõi hàm lượng kẽm trong máu của bạn. Đa số các loại vitamin cho thai phụ có chứa kẽm. Do đó, nguy cơ thiếu kẽm không phải là vấn đề đáng lo.

Tác dụng phụ của thuốc sắt dành cho bà bầu

Việc dùng thuốc bổ sung sắt cho bà bầu có thể khiến bạn gặp phải những tình trạng sau:

1. Táo bón

Hình ảnh minh họa 

Một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất khi dùng thuốc sắt trong thời gian mang thai hoặc thậm chí ở những người không mang thai là táo bón. Trong thực tế, hơn 10% những người uống viên sắt bị táo bón. Bạn có thể ngăn chặn điều này bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và uống thật nhiều nước. Thực hiện các bước để có bữa ăn cân bằng và tập thể dục thường xuyên. Tình trạng táo bón diễn ra dai dẳng hoặc có dấu hiệu xấu đi có thể cần đi khám tại bệnh viện.

2. Kích thích tiêu hóa

Bạn cũng có thể bị đau bụng hoặc co thắt bụng trong khi dùng viên sắt bổ sung. Tình trạng này xảy ra ở khoảng 10% người sử dụng viên sắt. Nếu bạn nhận thấy vấn đề này, hãy bắt đầu uống viên sắt cùng với bữa ăn để giảm các triệu chứng.

3. Buồn nôn và nôn

Thuốc sắt có thể góp phần làm tình trạng ốm nghén trở nên nặng hơn. Do các vấn đề về dạ dày, các triệu chứng này thường nhẹ hơn nếu bạn uống viên sắt cùng với bữa ăn thay vì uống khi đói. Bạn cũng có thể làm giảm tác dụng phụ này bằng cách ngậm kẹo cứng hoặc nhai kẹo cao su. Nếu nôn và buồn nôn nghiêm trọng hơn hoặc kèm theo sốt, hãy liên hệ bác sĩ ngay lập tức.

4. Phân và nước tiểu sẫm màu

Hơn 10% những người uống thuốc bổ sung sắt cho bà bầu khi mang thai nhận thấy phân sẫm màu. Phân xanh hoặc đen là bình thường. Khoảng 5% trường hợp có nước tiểu sẫm màu. Ảnh hưởng này là bình thường và sẽ hết khi bạn ngừng uống thuốc sắt.

Những thực phẩm giàu sắt tốt cho mẹ bầu

Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc bổ sung sắt cho bà bầu, bạn có thể tăng cường nguồn cung cấp sắt từ thực phẩm. Có hai loại sắt: sắt chứa heme và sắt không chứa heme.

  • Sắt không chứa heme có trong cải chân vịt, đậu hũ, đậu và một số loại ngũ cốc…
  • Sắt chứa heme được tìm thấy trong các sản phẩm có nguồn gốc động vật như thịt đỏ, thịt gia cầm và cá.

Cơ thể hấp thụ sắt chứa heme dễ dàng hơn so với sắt không chứa heme. Để đảm bảo bạn có đủ chất sắt, hãy ăn nhiều loại thức ăn giàu loại khoáng chất này mỗi ngày.

Dưới đây là bảng các loại thực phẩm có chứa sắt heme và hàm lượng sắt tính trên 85g của một số loại thịt:

STT LOẠI THỰC PHẨM
HÀM LƯỢNG SẮT (mg)
1 Thịt bò nạc 3,2
2 Thịt bò thăn 3
3 Đùi gà tây quay 2
4 Ức gà tây quay 1,4
5 Đùi gà nướng 1,1
6 Ức gà tây nướng 1,1
7 Thịt cá ngừ trắng, đóng hộp 1,3
8 Thịt lợn thăn 1,2

Các nguồn thực phẩm cung cấp sắt không chứa heme và định lượng sắt tính trên 1 chén:

STT LOẠI THỰC PHẨM
HÀM LƯỢNG SẮT (mg)
1 Ngũ cốc ăn liền có bổ sung sắt 24
2 Bột yến mạch ăn liền có bổ sung sắt 10
3 Đậu nành luộc 8,8
4 Đậu lăng luộc 6,6
5 Đậu thận nấu chín 5,2
6 Đậu gà 4,8
7 Đậu lima nấu chín 4,5
8 Hạt bí đỏ rang 4,2
9 Đậu đen hoặc đậu pinto nấu chín 3,6
10 Rau chân vịt luộc 6,2
11 Nước ép mận 3
12 Nho khô 2,8

Ngoài ra, 1 muỗng canh mật rỉ đường cung cấp 3,5mg sắt, 1 lát bánh mì nguyên hạt hoặc bánh mì trắng giàu dưỡng chất cung cấp 0,9mg sắt.

Bạn có thể lấy lượng sắt tối ưu từ thức ăn bằng cách:

  • Nấu thức ăn trong nồi/chảo sắt: Các loại thực phẩm có tính axit như  sốt cà chua, đặc biệt tốt khi được chế biến bằng loại dụng cụ này.
  • Tránh uống cà phê và trà đòng thời với thức ăn: Chúng chứa các hợp chất gọi là phenol gây trở ngại cho sự hấp thu sắt. Nếu có thể, hãy ngừng tiêu thụ caffeine trong khi mang thai.
  • Ăn thực phẩm giàu vitamin C như nước cam, dâu tây, bông cải xanh, đặc biệt là khi bạn ăn chay vì nguồn cung cấp sắt cho bạn chủ yếu từ các loại ngũ cốc. Vitamin C có thể làm tăng hấp thụ sắt của có thể lên đến sáu lần.
  • Nhiều loại thực phẩm có chứa “chất ức chế sắt” có thể làm giảm lượng sắt mà cơ thể hấp thụ trong thức ăn được ăn cùng một lúc. Phytates trong ngũ cốc và các loại hạt, oxalat trong đậu nành và rau chân vịt, canxi trong các sản phẩm sữa là những ví dụ điển hình về chất ức chế sắt. Tuy nhiên bạn không nên loại bỏ những thực phẩm này khỏi chế độ ăn mà chỉ cần ăn cùng những thực phẩm có chứa vitamin C hoặc một số thịt, gia cầm, cá.
  • Canxi và các sản phẩm từ sữa sẽ làm giảm khả năng hấp thu sắt. Do đó, nếu bác sĩ khuyên nên bổ sung sắt và canxi (hoặc thuốc kháng axit có chứa canxi), bạn nên trao đổi với bác sĩ về cách sử dụng sao cho đúng.

Bạn có thể hấp thụ quá nhiều sắt không?

Việc hấp thụ chất sắt nhiều hơn so với nhu cầu của cơ thể là hoàn toàn có thể xảy ra. Bạn không nên dung nạp quá 45 mg sắt/ngày. Nếu cơ thể bạn dung nạp sắt quá nhiều (từ thực phẩm, viên uống bổ sung sắt bổ sung hoặc vitamin tổng hợp có bổ sung sắt trước khi sinh) sẽ khiến lượng sắt trong máu tăng quá cao, có thể gây ra vấn đề cho bạn và con bạn.

Việc dung nạp quá nhiều sắt có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường thai kỳ hoặc tình trạng mất cân bằng oxy hóa. Sự mất cân bằng trong cơ thể được cho góp phần gây ra tình trạng vô sinh, tiền sản giật, sẩy thai, bệnh tim và huyết áp cao. Do đó, bạn chỉ nên bổ sung sắt khi mang thai dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

0 BÌNH LUẬN