Những sự cố hư hỏng xe xảy ra dọc đường là điều khó tránh khỏi khi sử dụng xe. Có những sự cố có thể khắc phục tạm thời để đi đến gara gần nhất, cũng có sự cố bất khả kháng phải cần đến cứu hộ hoặc sự trợ giúp từ bên ngo
Dù tự xử lý được hay không thì những sự cố được chia sẻ sau đây sẽ cho bạn kinh nghiệm, ít ra là sự bình tĩnh khi nó xảy đến.
1. Xẹp lốp hoặc nổ lốp
Lái xe hãy tập thay lốp để biết cách xử lý khi cần
Bánh sơ cua đã được các hãng xe hơi nghĩ ra chỉ ít lâu khi xe hơi xuất hiện, nó được xem như vật bảo đảm tương đối cần thiết cho người lái xe đi đến nơi về đến chốn. Công nghệ phát triển cho ra những chiếc lốp xe ngày càng bền, và cũng chính từ đây thói quen kiểm tra áp suất lốp và độ mòn lốp xe thường bị các chủ xe thờ ơ vì trong đầu luôn nghĩ đã bền lại còn có bánh sơ cua nữa thì lo gì nhỉ? Chính vì thế mà có những tai nạn thương tâm khi nổ lốp, người lái hoảng hốt đạp mạnh phanh làm cho việc kiểm soát chiếc xe thêm tồi tệ hơn.
Nếu chẳng may xe bạn chỉ bị xẹp lốp và mất áp xuất từ từ khi cảm nhận tay lái bị nặng, xe ì và có tiếng kêu phạch phạch phát ra thì bạn khá may mắn. Đây là cơ hội để lốp xe của bạn được kiểm tra tình trạng, xem có còn đủ an toàn để sử dụng hay không, mặc dù bạn sẽ phải tốn thời gian tự thay bánh sơ cua hay đi xe tới một điểm vá lốp.
Trường hợp xe bạn bị nổ lốp đột ngột khi đang lưu thông, nhất là lốp trước thì đây là một vấn đề lớn. Ở hoàn cảnh này, hãy cố gắng ghìm tay lái định hướng cho xe, nhả từ từ chân ga rồi từ từ đưa xe vào lề an toàn, bật đèn ưu tiên, tuyệt đối không đạp phanh gấp khiến tình trạng tồi tệ hơn vì mất kiểm soát xe. Bạn chỉ có thể đạp phanh từ từ khi mọi thứ đã được kiểm soát.
Khi tiến hành thay bánh sơ cua cũng phải tuân thủ rút chìa khóa khỏi xe và cho vào túi, kéo phanh tay, cài số 1 khi xe đang trên đường dốc lên và cài số lùi nếu xe đang đậu dốc xuống, kết hợp chèn bánh xe để phòng khi phanh tay bị hỏng, và luôn bật đèn ưu tiên trong mọi trường hợp.
2. Mất phanh
Va chạm với vật cản là giải pháp khẩn cấp cuối cùng khi xe bị mất phanh
Mất phanh là sự cố nguy hiểm vào loại hàng đầu, dễ tạo sự hoảng loạn cho người lái và kết cục là cơ hội giảm thiểu tai nạn rất thấp. Cảm giác đạp phanh sâu mà không có tác dụng do đường ống bị mất dầu, hay đạp phanh nhưng cứng đơ do ống dầu bị tắc nghẽn hoặc cũng có thể xe bị bó cứng phanh,… Tạm bỏ qua nguyên nhân mất phanh, chúng ta hãy tập trung vào vấn đề xử lý khi rơi vào trường hợp này.
Bình tĩnh là yếu tố quan trọng nhất, song song đó hãy cứ nhấp đạp phanh liên tục để tìm cơ may hệ thống được phục hồi, sử dụng phanh tay nhịp nhàng và vận hành kỹ thuật giảm tốc độ bằng cách dồn số để ghì xe lại. Tuyệt đối không được tắt động cơ xe, điều này sẽ khiến hệ thống trợ lực không hoạt động, làm việc điều khiển xe thêm khó khăn.
Tình huống xấu nhất mà bạn sẽ phải chọn là cho xe va chạm với một vật cản, và hãy giữ đủ bình tĩnh để lựa chọn vật cản mềm như bụi cây, vũng bùn, hoặc nếu có va chạm với vật cứng như con lươn, vách đá, phải cố gắng để xe có góc tiếp xúc nhỏ, tránh va trực diện.
3. Phải phanh khẩn cấp
Với xe có ABS, khi cần phanh gấp, hãy đạp thật mạnh và giữ chân phanh rồi đánh lái tránh chướng ngại vật
Trong những tình huống phải phanh khẩn cấp, người lái luôn đặt chân đúng vị trí và hai tay luôn đặt trên vô-lăng ở vị trí thuận tiện thì hiệu quả phanh sẽ cao hơn. Vị trí đặt bàn chân phải đối diện bàn phanh, luôn lấy trụ là gót chân sẽ cho hiệu quả phanh mạnh nhất và không bao giờ phạm vào lỗi đạp nhầm châm ga. Cần tránh thói quen nhấc chân qua lại giữa phanh và ga làm giảm nhịp, thậm chí đạp bị trượt dẫn đến chậm trễ trong việc thoát rủi ro.
Trường hợp xe có hệ thống ABS thì cứ đạp mạnh phanh và giữ chắc chân phanh, đồng thời kết hợp đánh lái nếu cần phải tránh chướng ngại vật, mặc cho ABS tự xử lý nhấp nhả chống bó cứng. Với những xe không có hệ thống này, lái xe phải phải nhấp nhả liên tục, tránh cho xe bị bó phanh và trượt mất lái, nhưng người lái cần có kinh nghiệm để làm việc đó.
Những xe có hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp BA cũng nên cẩn thận trong từng trường hợp. Nếu không cần thiết phanh gấp nhưng hệ thống nhận thấy khoảng thời gian rời chân ga và đạp phanh trong giới hạn quá nhanh, mặc nhiên hệ thống này sẽ hoạt động bất kể đạp nhẹ hay mạnh làm cho xe dừng khẩn cấp, dẫn tới xe sau có thể phanh không kịp.
Trong tất cả mọi trường hợp, tuyệt đối không được cắt côn khi đạp phanh, nhất là trong điều kiện xe đang chạy tốc độ cao, bởi điều đó có thể làm xe trôi tự do theo quán tính nhanh hơn.
4. Bỗng dưng chân côn bị xìu
Cái bệnh hỏng cupen ambraya như cái duyên, có người đi hết xe này đến xe khác nhưng chưa bao giờ “dính”, nhưng cũng có người bị vài lần trong cuộc đời chạy xe. Chắc chắn khi bị lần đầu, các chủ xe sẽ rất lúng túng và không biết xử trí ra sao.
Nên quay trở vào xe, trả phanh tay, đặt vị trí cần số ở số 3, đề máy và hơi đạp chút ga để chiếc xe khỏi bị chồm lên, duy trì đèn ưu tiên và chạy tốc độ chậm, cứ thế, chiếc xe cũng về đến nơi sửa chữa. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ có thể thực hiện trên những con đường tương đối thưa xe và ít người.
5. Vỡ kính xe
Hãy cẩn thận khi đi phía sau các loại xe tải chở vật liệu xây dựng
Kính lái xe hiếm khi bị vỡ ngoại trừ có va chạm mạnh từ phía trước hay bị đá văng trúng. Nhưng nếu có lỡ bị vỡ, bạn cũng nên biết cách tạm khắc phục để chạy đến nơi có thể thay thế. Nếu chỉ là đường rạn nứt kiểu chân chim thì bạn có thể cố định bằng vài lớp băng keo trong bản lớn. Nếu kính đã bị vỡ vụn rồi thì chỉ còn cách sống chung với gió, khi đó, điều đầu tiên là chạy với tốc độ chậm, bật đèn ưu tiên và nhớ hạ nốt những cửa kính còn lại để tránh cho gió đi lòng vòng ù ù trong xe.
Nếu như những kính cửa sổ hoặc kính hậu bị vỡ thì bạn cũng nên tạm quên điều hòa mà sống chung với gió thiên nhiên, vì nếu dùng báo hoặc bìa che tạm thì có thể sẽ làm giảm đáng kể tầm quan sát phía sau.
Nhân đây, người viết cũng xin khuyến cáo các chủ xe nên trang bị búa thoát hiểm nhỏ gọn dành cho ôtô để đề phòng những trường hợp khôn lường khi cần thoát ra khỏi xe. Vật dụng này rất nhỏ gọn, không chiếm chỗ nên cần bố trí ở những chỗ dễ dàng lấy nhất cho cả 4 vị trí trên xe.
6. Xe mất đèn pha
Luôn kiểm tra cầu chì trước tiên khi có sự cố về điện, và đây là ký hiệu cầu chì đèn pha
Phần lớn xe bỗng dưng bị tắt đèn chiếu sáng phía trước đều do cầu chì bị đứt hoặc bóng đèn tới lúc bị hỏng, nhưng cũng rất hiếm khi cả hai bóng cùng hỏng một lúc. Đầu tiên kiểm tra các bóng đèn bằng việc quan sát trực quan. Nếu các bóng còn tốt thì bước tiếp theo là kiểm tra hộp cầu chì. Nếu biết chút ít về điện, bạn có thể quan sát sơ đồ bố trí cầu chì trên nắp hoặc dưới nắp hộp có ghi ký hiệu rõ ràng. Nếu có cái nào bị đứt thì lấy cầu chì dự phòng có chỉ số tương đương để thay thế.
Nếu như tất cả cầu chì đều tốt mà đèn lái vẫn không sáng thì có hai nguyên nhân, một là dây điện bị đứt, hai là cần điều khiển công tắc đa chức năng bị hư hỏng mạch tiếp xúc (rất ít khi xảy ra), trường hợp này cần thợ điện xe ôtô xử lý.
7. Ắc-quy hết điện, không khởi động được máy
Khi ắc quy hết điện, dây câu sẽ phát huy tác dụng nếu có xe khác hỗ trợ
Sự cố bỗng dưng hết điện ắc-quy chẳng có gì là ghê gớm, nhưng nó lại gây phiền hà và khó chịu vô cùng vì khiến bạn tốn thời gian. Nếu bạn đang chuẩn bị kế hoạch di chuyển mà rơi vào hoàn cảnh này thì thật ức chế.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho bộ phận lưu trữ và cung cấp điện cho chiếc xe khởi động bị hết điện (ngoại trừ tình trạng bình ắc-quy bị hỏng do đã dùng quá lâu). Nguyên nhân đầu tiên có thể nghĩ tới là máy phát điện (dynamo) có vấn đề dù trước đó vài lần bạn khởi động xe tốt.
Nguyên nhân tiếp theo có thể là xe bạn đã gắn thêm đèn và hệ thống âm thanh, nên khi đang chạy bình thường thì không sao do ắc-quy được nạp liên tục, nhưng khi xe không nổ máy trong khi các hệ thống đó vẫn được bật thì năng lượng sẽ bị hao hụt, dẫn đến đề yếu hoặc không nổ được máy.
Một nguyên nhân nữa cũng khiến ắc-quy bị hết điện là xe bị chạm mát. Việc xác định thiết bị hay điểm nào gây chạm mát để xử lý là điều không dễ dàng và đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm chuyên môn. Bằng cách tháo cọc âm (-) của bình ắc-quy trước khi đỗ xe dài ngày không sử dụng, bình ắc-quy không bị mất điện, nhưng lại phiền phức mỗi khi lên đường.
Một trường hợp may mắn là với những xe số sàn, ắc quy vẫn còn một chút năng lượng và xe đang đỗ ở trên dốc xuống thì có thể lợi dụng dốc để khởi động máy. Cài số rồi đạp côn cho xe trôi tự do, rồi khi xe đã có đà thì nhả côn. Nếu ắc quy đã hết sạch năng lượng, hoặc xe số tự động thì nhất thiết phải có ứng cứu từ bên ngoài.
8. Xe rung bất thường
Chuột có thể là thủ phạm gây ra nhiều sự cố về điện
Một chiếc xe đang hoạt động bình thường khó có thể có những triệu chứng rung lắc bất thường, ngoại trừ trường hợp vừa có hư hại trước đó như lốp xe bị biến dạng, phình cục bộ hoặc cán phải đá nhỏ sắc cạnh rồi bám dính nhô cao hơn bề mặt lốp, khiến cho xe rung theo nhịp, sập mạnh xuống ổ gà ảnh hưởng đến hệ thống lái và dàn gầm, la-zăng xe va đập mạnh nên bị méo, đổ phải xăng kém chất lượng khiến cho động cơ hoạt động cà giật.
Bốn lốp xe không đều, quá mòn hoặc quá căng do áp suất cao, bản thân ghế lái không vững và chắc chắn, cao su chân máy và cao su treo ống xả bị vỡ,… Với những trường hợp này, xe rung lắc khi chạy, nhưng máy vẫn khỏe và êm, đặc biệt là không có biểu hiện gì khi chạy không tải.
Tuy nhiên, xe bị rung lắc còn do các nguyên nhân phức tạp hơn như hệ thống đánh lửa và nạp nhiên liệu hoạt động không tốt hoặc tiếp xúc kém (do chuột cắn đứt dây của béc phun hoặc mobin, hoặc do dây cao áp của bộ chia điện hở khiến điện phóng ra ngoài mà không đánh vào bu-gi), ly hợp mòn nên khi đề pa xe bị giật.
9. Xuất hiện mùi xăng hoặc mùi khét trong xe
Mùi xăng sống có thể bay qua hệ thống điều hòa để vào khoang xe
Đứng bên ngoài thì quá dễ để nhận biết được mùi xăng hoặc mùi khét bất thường của xe, nhưng khi ngồi trong xe với điều hòa và cửa đóng kín thì lại càng khó biết hoặc nếu biết thì cũng phải đợi có thời gian để mùi lọt vào bên trong xe. Nhưng trên tinh thần cảnh giác cao thì khi phát hiện bất cứ mùi xăng hoặc khét nào, bạn phải lập tức dừng xe và kiểm tra lại mọi thứ.
Mùi khét thì có nhiều nguyên nhân như quên nhả phanh tay, cháy các công tắc chỉnh điện do thay cầu chì bảo vệ có chỉ số cao hơn tiêu chuẩn khiến chúng mất tác dụng bảo vệ hệ thống điện, bọc xốp nhựa bám vào một trong những vị trí của ống xả, cháy bố ambraya, dây cu-roa bị trùng gây trượt và rít khét.
Còn mùi xăng thì có thể thoát ra từ cổ ống xả do xăng đốt không hết (nhưng trường hợp này hãn hữu do mùi khó chui được vào ca-bin khi xe đang chạy), do thủng bình xăng lớn hoặc bị rò rỉ trong hệ thống dẫn nhiên liệu trong khoang động cơ khiến mùi xăng chui qua hệ thống điều hòa vào bên trong, mùi xăng dễ xảy ra hơn với xe chạy bằng chế hòa khí.
Nếu xe bạn có mùi hơi hôi thì cũng nên kiểm tra ngay để xem đã có loại thực phẩm nào để quên trên xe không, cũng có thể hệ thống tạo hơi trên xe của bạn không kín và dầu máy bị hút xuống buồng đốt có thể sản sinh khí sunfua mùi khó chịu, dấu hiệu này cũng cho bạn biết nên mang xe đến chỗ uy tín để kiểm tra ngay hệ thống hơi của xe.
10. Đổ nhầm nhiên liệu
Dù trong bất cứ trường hợp nhầm lẫn nào, đổ nhầm xăng vào dầu hay ngược lại, thì bạn cũng phải ngừng ngay động cơ và cho xe vào gara để xả thật kỹ bình chứa nhiên liệu cũng như hệ thống cung cấp nhiên liệu và thay thế bộ lọc trước khi cho xe hoạt động trở lại. Với những thợ am hiểu về hệ thống điện của xe thì chỉ cần đoạn dây điện nhỏ cùng ống mềm và can nhựa cũng có thể lấy nhiên liệu từ trong thùng xăng bằng việc đấu nối cho bơm xăng chạy độc lập, thực hiện vài lần súc rửa, thay lọc nhiên liệu là có thể đảm bảo an toàn cho xe.
Bản thân mỗi lái xe nên tập thói quen theo dõi nhắc nhở nhân viên bơm đúng nhiên liệu và cũng là cách giám sát lượng nhiên liệu bơm vào đúng với số tiền bỏ ra.
11. Xe nằm lỳ không chịu chạy
Ngoài trường hợp cạn dầu, một số nguyên nhân khác cũng có thể khiến hộp số tự động bị lỗi như tắc lọc dầu hộp số hoặc hỏng bơm dầu. Hộp số tự động bị thiếu dầu có thể sẽ có dấu hiệu là kêu o o, chỉ cần sớm phát hiện và đổ thêm dầu là có thể khắc phục được. Hai trường hợp còn lại thì chỉ có cách xử lý tại gara.
Có vài nguyên nhân khác khiến chiếc xe của bạn nằm lỳ không chạy hoặc chạy mà ì như có người kéo lại. Đó có thể là do kẹt bố ambraya, hoặc kẹt bố thắng,…
12. Động cơ xe nóng bất bình thường
Nhà sản xuất cũng đã tính đến hậu quả vô cùng tai hại của sự cố này nên có những cảnh báo bằng đèn hoặc chỉ thị trên bản táp-lô của xe để người lái kịp thời chú ý tránh cho động cơ diễn biến theo chiều hướng hư hại nặng. Tuy nhiên, khảo sát của Autocar Vietnam trong vài năm qua cho thấy rất nhiều xe đã bị thiệt hại nặng do lái xe không để ý chiếc đồng hồ này, nên khi xe không thể chạy được nữa thì đã quá muộn.
Xe đang lưu thông bình thường trên đường mà bỗng dưng động cơ nóng bất thường và đồng hồ cảnh báo nhiệt ở mức độ cao kèm theo triệu chứng xe chạy ỳ lại, bạn phải lập tức chọn điểm dừng xe an toàn và bật đèn cảnh báo, bật nắp ca-pô và đề phòng hơi nước nóng có thể thoát ra ngay khi bạn mở lên. Tiến hành quan sát khách quan để xem nếu có sự cố rò rỉ nước bất thường từ hệ thống ống hoặc két nước.
Bên cạnh đó, cũng nên tiến hành kiểm tra que đo nhớt động cơ. Nhớt bị hao hụt nhanh và bất thường hầu hết là do một sự cố va đập trước đó làm lủng các-te nhớt khiến động cơ thiếu hụt nhớt trầm trọng dẫn đến sinh nhiệt. Sự cố này cũng có thể được quan sát qua đồng hồ đo áp suất nhớt động cơ.
Nếu các ống trong hệ thống giải nhiệt bị thủng nhỏ có thể khắc phục tạm thời bằng việc làm khô bề mặt và sử dụng keo AB đối với bề mặt nhựa cứng hoặc kim loại, với những ống dẫn bằng cao su nếu không có thay liền thì có thể quấn bằng dây lót của vành xe máy hay xe đạp mà bạn có thể tìm mua tại bất cứ hiệu sửa xe nào. Nếu các-te nhớt thủng rất nhỏ, bạn có thể tạm thời bít bằng xà phòng cục và bổ sung nhớt tạm thời để chạy đến gara gần nhất. Trường hợp thủng lớn, không cách nào khác là phải gọi cứu hộ đưa xe về gara, hạ các-te để vá chỗ thủng.
13. Xe đi bình thường, nghỉ, đề lại thì không nổ máy
Khi dừng xe uống cà phê hay ăn sáng ở đâu đó, bạn trở lại xe khởi động thì xe im như cục đá, trong khi mới trước đó ít phút xe hoạt động rất tốt. Thường thì với tình huống này, nguyên nhân có thể khá đơn giản là do cọc ắc-quy vì lý do nào đó đã không tiếp xúc điện, hoặc cầu chì có vấn đề.
14. Thoát khỏi vũng lầy hoặc cát
Khi bị sa lầy trong cát hay bùn nhão bạn không nên ngồi ì trên xe nạp ga cao, và cầu mong làm sao cho chiếc xe may mắn thoát ra khỏi cái bẫy, điều này chỉ làm cho bánh xe đào sâu thêm cái bẫy mà thôi, trường hợp xui xẻo có thể cháy bố ambraya.
Trường hợp lún trong cát thì cũng để số 2 và đạp ga từ từ, tuy nhiên trước đó bạn có thể phải giảm áp suất lốp để tăng độ bám và phải đổ nhiều nước xung quanh những bánh xe bị lún cát cho bề mặt cát chặt lại. Trong cả hai trường hợp nếu một mình bạn không giải quyết được thì có lẽ phải nhờ thêm người đi đường hỗ trợ đẩy phụ từ phía sau hoặc xe kéo phía trước với dây cáp đủ chắc.
Kinh nghiệm quý báu là người lái xe cần biết cách xử lý để xe không bị sa lầy trong bùn hay cát. Duy trì đà khi đi qua những địa hình này là điều quan trọng, chính vì vậy người lái cần khảo sát kỹ trước khi tiếp cận một vũng bùn hay vùng cát, xác định vị trí đặt bánh chính xác rồi di chuyển ở tốc độ phù hợp thật đều ga để kịp xử lý nhưng không được đi quá chậm. Nếu xe mất đà và có dấu hiệu đứng lại thì dừng đạp ga ngay lập tức để tìm cách xử lý, nếu không bánh xe sẽ ngoáy cho hố sâu thêm.