Bà bầu cần cẩn thận khi tiết trời chuyển mùa

0
3037

 

Tình huống 

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà (BV Từ Dũ TP.HCM) sẽ giải đáp thắc mắc của chị em bầu bí về phòng bệnh khi chuyển mùa.

Thời tiết chuyển mùa, nắng mưa thất thường rất dễ làm cho bà bầu bị cảm cúm, rubella, đặc biệt là khi dịch bệnh sởi đang hoành hành dữ dội. Những vấn đề này đều có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của mẹ và con. Ngoài việc tăng cường sức đề kháng bằng việc bổ sung dinh dưỡng, ăn đủ chất thì bà bầu cần nhận biết sớm những triệu chứng của cảm cúm, rubella hay thủy đậu để thăm khám kịp thời. Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà (Phó khoa sản A – Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM) sẽ giải đáp một số thắc mắc xung quanh vấn đề này.

Hỏi: Cháu có thai được gần 24 tuần bị mắc cúm. Biểu hiện viêm họng, hắt hơi, sổ mũi. Cháu chưa dám uống thuốc gì mà chỉ súc miệng nước muối, uống mật ong thêm chanh và rửa mũi bằng nước muối nhưng vẫn không đỡ. Sau 2 ngày, cháu bị sốt và đi khám bác sĩ kê thuốc kháng sinh amoxilin 500mg về uống, cháu hết sốt và đau họng, nhưng vẫn ho có đờm và mũi đặc.Xin hỏi liệu trong thời điểm thai 24 tuần như vậy cháu uống thuốc amoxilin có ảnh hưởng gì đến thai nhi không? Cháu rất lo lắng.

 

Trả lời 

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà:

Chào em, em có thể yên tâm dùng thuốc theo toa bác sĩ. Thứ nhất thai 24 tuần đã qua giai đoạn 3 tháng đầu và thai nhi đã hoàn thiện các cơ quan, không còn bị các yếu tố khác gây dị tật nữa. Thứ 2, amoxicillin là kháng sinh thuộc nhóm beta lactam không nguy hại cho thai. Hiện tại, em đang bị viêm hô hấp trên nên ngoài việc dùng thuốc, em cần giữ vệ sinh vùng mũi họng tốt, uống nhiều nước, ăn các thức ăn dễ tiêu, nghỉ ngơi nhiều. Tình trạng nhiễm trùng có thể gây sinh non em ạ. Trong thai kỳ, dùng bất cứ thuốc nào cũng cần có sự chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự tiện mua uống.

Hỏi: Em mang thai đến thời điểm hiện tại là hơn 2 tháng. Nhưng hơn 1 tuần này em bị ho rất nhiều và chủ yếu là ho vào lúc 4-5 giờ sáng. Xin hỏi bác sĩ ho nhiều như vậy có ảnh hưởng gì tới thai nhi không? Em đã uống nước chanh pha muối và ngậm mật ong ngâm chanh đào mà mãi không khỏi.Cho em hỏi là em ngậm nhiều mật ong + chanh đào có ảnh hưởng gì đến thai nhi không? Em có thể uống thuốc kháng sinh không?

 

Phạm Thị Hạnh (Ninh Bình)

 

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà: Chào em, ho rất nhiều vào giai đoạn 8 tuần tuổi của thai có thể ảnh hưởng đến thai kỳ. Động tác ho có thể gây dọa sẩy thai, sẩy thai. Tình trạng nhiễm siêu vi (tác nhân gây bệnh) có thể tác động lên sự phát triển phôi thai, thậm chí có những tác nhân gây dị dạng thai nhi (như virus gây bệnh rubella). Uống mật ong và chanh đào không ảnh hưởng đến thai nhi. Trừ trường hợp mẹ bị tiểu đường thì mật ong có thể làm tăng đường huyết hơn nữa. Em nên khám chuyên khoa tai mũi họng, đừng nên tự ý mua thuốc uống dù là chanh đào hay mật ong em nhé.

Bà bầu không nên sử dụng bất cứ loại thuốc nào khi chưa được sự cho phép của bác sĩ. (ảnh minh họa)

 

Hỏi: Em thật sự đang rất lo lắng. Vợ chồng em cưới được 1 năm và mới có bầu được 3,5 tháng. Hôm qua sang nhà em gái chơi, có bế đứa cháu, hôm sau về mới biết nó bị thủy đậu, vì hôm nay các nốt ban đỏ mới xuất hiện. Mà theo như em đọc báo thì nguy cơ bị lây bệnh là có, vì bệnh này ủ trong vòng từ 10 -21 ngày. Vậy bác sĩ có thể tư vấn giúp em với.

 

Em mang thai gần 4 tháng, nếu bị thủy đậu có ảnh hưởng gì tới thai nhi không ạ?Có biện pháp nào phòng tránh, giảm thiểu khả năng mắc bệnh không ạ?Mong sớm nhận được hồi âm của bác sĩ. Em xin chân thành cảm ơn!

 

nguyenthingochanh…@gmail.com

 

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà: Chào em, thai của em được 14 tuần đã phát triển gần như hoàn thiện các cơ quan, vì thế thủy đậu hầu như không gây ảnh hưởng đáng kể đến thai nhi. Bệnh thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp và nếu em có bị nhiễm thì bị vào thời điểm em tiếp xúc với người cháu đang mắc bệnh. Hiện tại em cần tăng cường sức đề kháng bằng cách dinh dưỡng tốt, nghỉ ngơi đầy đủ. Để đề phòng nhiễm bệnh thì cần tiêm ngừa thủy đậu từ bé hoặc trước khi mang thai, không được tiếp xúc với người đang mắc bệnh, còn nếu đã bị nhiễm bệnh rồi thì không còn phòng tránh được nữa. Thân ái chào em.

 

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà (Phó khoa sản A – Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM)

 

Hỏi: Hồi mang thai 13 tuần, em không may bị rubella. Hồi đó em không hề bị sốt cao, cũng không thấy quá mệt mỏi nhưng đến khi phát hiện thấy ban đỏ, đi xét nghiệm mới biết mình bị bệnh này. Em nghe nói bị rubella những tháng đầu mang thai rất nghiêm trọng vì có thể khiến thai nhi dị tật nhưng vì sau cưới 3 năm em mới có con nên em quyết tâm giữ lại đứa con này. Cho em hỏi, em mang thai ở tuần 13 mới bị bệnh thì nguy cơ bé bị dị tật có cao không? Em cần làm các xét nghiệm nào để sàng lọc trước sinh, giúp phát hiện dị tật. Em cảm ơn bác sĩ nhiều!

 

Phạm Anh Đào (Nghệ An)

 

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà: Em nhiễm bệnh Rubella vào thời điểm thai 13 tuần thì thai nhi có nguy cơ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh (bệnh tim bẩm sinh, điếc, mù) với tỉ lệ 60 – 70%. Nếu trước khi mang thai em đã tiêm ngừa Rubella thì việc tái nhiễm Rubella ở thời điểm thai 13 tuần sẽ ảnh hưởng không đáng kể. Em có thể khám thai định kỳ đúng theo hẹn để bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm để tầm soát bất thường thai nhi.

Hỏi: Từ trước khi mang thai, em đã rất hay bị mắc bệnh cảm cúm, ho đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa. Hiện tại em mới mang thai được 6 tuần, em rất sợ thời tiết nắng mưa thất thường như hiện nay sẽ dễ khiến em mắc bệnh. Xin hỏi bác sĩ làm thế nào để tăng sức đề kháng khi mang bầu (ăn gì, có cần uống thuốc bổ không?) để giảm nguy cơ mắc bệnh?

 

Trần Nga (HN)

 

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà: Chào em, giữ gìn sức khỏe khi mang thai là điều quan trọng. Để giảm nguy cơ mắc bệnh cảm do thay đổi thời tiết thì em cần lưu ý một số điểm: Hạn chế thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột cho dù thời tiết có thay đổi. Nên mặc quần áo thoáng, chọn vải có tính thấm tốt, nếu trời nóng nên ở trong phòng mát hoặc máy lạnh nếu có thể được.

Hạn chế ra đường vào giữa trưa nắng nóng, nên mang khẩu trang, đội nón khi ra bên ngoài. Nên uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây tươi và có nhiều vitamin C như cam, bưởi, táo, lê, …Lúc nào cũng sẵn sàng áo mưa để phòng khi mưa đột ngột. Nên ăn uống đầy đủ các chất trong tháp dinh dưỡng và ngủ đủ giấc em ạ. Lưu ý vệ sinh an toàn thực phẩm, nấu chín trước khi ăn.

Phòng nhiễm bệnh khi mang thai

 

Trong thời điểm chuyển mùa từ xuân sang hè, đặc biệt là khi dịch sởi đang hoành hành dữ dội, nguy cơ bà bầu mặc cảm cúm, rubella, sởi là rất cao. Để phòng tránh, bà bầu nên hạn chế đến nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị các bệnh cảm cúm đặc biệt là bệnh có thể lây qua đường hô hấp như thủy đậu, rubella, sởi… Chú ý giữ vệ sinh đôi tay đặc biệt là khi đi ra ngoài về. Mặt khác, khi ngủ tránh gió lùa, chú ý mang theo áo khoác mỏng để mặc khi về chiều, thời tiết thay đổi so với ban ngày. Không uống nước đá hoặc các loại nước lạnh quá dễ gây viêm họng dẫn đến mắc bệnh.

Để tăng cường sức đề kháng cho bà bầu, chế độ ăn cân bằng các chất dinh dưỡng, hợp lý, phối hợp các món ăn. Mặt khác, trong quá trình khám thai có thể xin tư vấn của bác sĩ, không được mua các loại thuốc uống gây nguy hiểm cho thai nhi.

 

 

 

 

0 BÌNH LUẬN