Các món ăn làm từ đường luôn khiến chúng ta không thể cưỡng lại được, đặc biệt là đối với mẹ bầu. Việc thích ăn đồ ngọt khi mang thai là tình trạng thường xảy ra. Tuy nhiên, nếu bà bầu ăn nhiều đồ ngọt lại không hề tốt đối với cả mẹ lẫn con.
Đường là nguyên liệu cần thiết cho cơ thể, nhưng cũng sẽ là mối nguy hại tiềm tàng nếu cơ thể bạn có quá nhiều đường. Vậy bà bầu ăn nhiều đồ ngọt trong khi mang thai có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe bé yêu? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
Hình ảnh minh họa bà bầu ăn đồ ngọt
Có thể ăn ngọt khi mang thai không?
Tất nhiên là có, bạn có thể ăn đường hay các món ngọt miễn sao đừng ăn quá nhiều. Nếu đang mắc đái tháo đường, bạn cần phải cẩn thận hơn về lượng đường nạp vào cơ thể.
Dù vây, bạn nên lưu ý rằng đường tinh luyện trong kẹo, bánh hay nước ngọt không mang lại dinh dưỡng gì cho bạn. Những thức ăn này nên được thay thế bởi những thực phẩm có lợi hơn như ngũ cốc, trái cây và rau củ có chứa đường tự nhiên.
Lượng đường có thể nạp vào khi mang thai?
Không có tiêu chuẩn khuyến cáo cụ thể về lượng đường bạn có thể ăn trong thai kỳ. Lượng đường nạp vào nên phụ thuộc vào tốc độ chuyển hóa của cơ thể, nồng độ đường trong máu và cân nặng của bạn. Trong mọi trường hợp, hãy chỉ nạp đường dưới 25g mỗi ngày. (1)
Ăn quá nhiều ngọt có gây hại thai nhi?
Bà bầu ăn nhiều đồ ngọt hay carbohydrate có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Đồng thời lượng đường dư thừa trong máu do đái tháo đường thai kỳ hay đái tháo đường típ 2 không kiểm soát được sẽ ảnh hưởng không tốt cho bé.
Đường dư sẽ qua nhau thai và làm tăng đường trong máu thai nhi. Kết quả là bé sẽ phải tăng tiết insulin, một hormone điều hòa lượng đường trong cơ thể, khiến bé phát triển lớn hơn. Do vậy, quá trình sinh nở cũng có nhiều biến chứng hơn. Bạn cần phải sinh mổ hay thậm chí là sinh non. (2)
Ăn nhiều đồ ngọt có gây ợ nóng trong thai kỳ
Đường sẽ không trực tiếp khiến bạn bị ợ nóng, nhưng có thể khiến tình trạng này nghiêm trọng hơn. Đường có nhiều trong chocolate, trái cây họ cam quýt, kẹo bạc hà, thực phẩm nhiều béo và chứa caffeine có thể gây ợ nóng. Vì vậy, bạn nên hạn chế tiêu thụ những thực phẩm này.
Tác hại khi bà bầu ăn nhiều đồ ngọt
Hình ảnh minh họa của việc bà bầu ăn nhiều đồ ngọt
Ăn nhiều đồ ngọt sẽ khiến lượng calorie tăng nhiều nhưng lại ít dinh dưỡng mà bạn cần trong suốt thai kỳ
- Triệu chứng thai kỳ nghiêm trọng hơn. Những triệu chứng như nôn ói, ợ nóng hay tính tình thất thường sẽ càng nghiêm trọng hơn khi bạn bị dư đường trong cơ thể.
- Gây mệt mỏi. Thức ăn nhiều đường sẽ chỉ cung cấp năng lượng rỗng cho cơ thể. Chúng có nhiều sucrose có thể khiến bạn bị hạ đường đột ngột, khiến bạn mệt mỏi và ngủ gật.
- Thiếu dinh dưỡng. Thèm ăn là hiện tượng bình thường trong thai kỳ nhưng nếu thèm ngọt nhiều hơn những thức ăn khác, bạn sẽ ăn mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu nhiều dưỡng chất nhưng lại tăng cân và béo phì vì dư năng lượng.
- Gây tăng cân. Dư đường sẽ gây tăng cân, đồng thời khi mang thai, cơ thể mẹ bầu cũng tăng dần trọng lượng, cuối cùng là béo phì và gây nhiều biến chứng khi sinh nở.
- Em bé thèm ngọt nhiều hơn. Khi bà bầu ăn nhiều đồ ngọt trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến khẩu vị của em bé sau này. Con bạn có thể thèm ngọt khi lớn lên, gây béo phì ở trẻ và nguy cơ cho nhiều tình trạng sức khỏe khác.
- Gan nhiễm mỡ cấp thai kỳ. Chế độ ăn nhiều đường fructose của mẹ bầu có thể gây nên hội chứng gan nhiễm mỡ. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự trao đổi chất ở thai nhi và dẫn đến béo phì hay đái tháo đường típ 2 sau này ở trẻ. ( 3 )
- Tăng nguy cơ tiền sản giật. Ăn nhiều đường sẽ làm tăng nguy cơ tiền sản giật. ( 4 ).
Vì thế, để tránh những nguy cơ trên, bạn nên giảm thiểu lượng đường nạp vào cơ thể.
Bí quyết để không ăn nhiều đồ ngọt trong thai kỳ
Để hạn chế lượng đường đưa vào cơ thể, bạn nên:
- Hạn chế đồ ngọt và snack. Ngừng ăn đường tinh luyện. Nếu bạn không thể thực hiện được, hãy giảm bớt lượng bánh, kem, mì và những snack ngọt khác nhé.
- Thay bằng trái cây ngọt. Nếu thèm ngọt, bạn nên thay thế bằng các loại trái cây tốt cho mẹ bầu như xoài, dâu tây, dứa. Tránh những trái cây quá ngọt vì chúng chứa nhiều đường.
- Không dùng đường hóa học. Những tác hại của đường hóa học có thể kéo dài sau khi mang thai. Bạn nên thay thế bằng chất ngọt tự nhiên như mật ong.
- Quan tâm đến thành phần trong thực phẩm đóng gói. Chú ý đến lượng đường mà thực phẩm mang lại như ngũ cốc, bơ đậu phộng, nước sốt và nhiều thực phẩm khác. Bạn nên lựa chọn thực phẩm ít đường.
- Không nên để kẹo, kem, bánh hay đồ ngọt nào trong nhà. Khi nào thèm, bạn mới mua những thực phẩm này.
- Giảm lượng đường đưa vào cơ thể hay thay thế. Bạn có thể tránh ăn nhiều mứt hay bánh mì, dùng một muỗng đường thay vì 2 muỗng khi uống trà hay cà phê, hạn chế chocolate hay kem.
Ngoài ra, có thể thay thế đường trắng bằng các chất tạo ngọt nhân tạo mà vẫn có lợi cho sức khỏe nhé.
Thực phẩm giúp giảm lượng đường
Cải thiện chế độ ăn và tập thể thao có thể giúp bạn giảm lượng đường một cách tự nhiên. Thực phẩm tốt cho sức khỏe mà bạn nên ăn gồm:
Thực phẩm ít đường
Bao gồm các loại thực phẩm có chỉ số đường thấp như ngũ cốc nguyên hạt, đậu, lúa mạch, yến mạch, trái cây và rau củ. Những thực phẩm trên giúp tiêu hóa lâu hơn và ngăn ngừa sự tăng đường trong máu.
Men vi sinh
Men vi sinh là những vi khuẩn sống, có lợi cho dạ dày và giúp cải thiện tiêu hóa. Chúng giúp điều hòa sự chuyển hóa carbohydrate và giúp duy trì lượng đường trong máu hiệu quả. Sữa chua tự nhiên là một trong những sản phẩm có chứa men vi sinh tốt mà bạn có thể ăn.
Chất xơ
Chất xơ không hòa tan tốt cho hệ tiêu hóa và chất xơ tan sẽ cải thiện nồng độ đường trong máu. Yến mạch và các loại đậu có nhiều chất xơ tan, trong khi chất xơ không tan có nhiều trong các loại lúa mì. Trái cây và rau củ chứa cả hai loại chất xơ trên.
Đạm và chất béo có lợi
Bạn nên ăn thực phẩm nhiều đạm như các loại hạt, trứng và thịt gia cầm. Đạm giúp kiểm soát lượng đường trong máu, giúp bạn nhanh no và kích hoạt nhiều năng lượng. Chất béo có lợi cho sức khỏe được tìm thấy trong các loại hạt, dầu ô liu và trái bơ sẽ giúp bạn giảm cảm giác thèm ngọt.
Bạn có thể thèm ngọt khi mang thai, nhưng nếu bà bầu ăn nhiều đồ ngọt thì ảnh hưởng lớn đến cả mẹ và con. Vì thế, hãy học cách kiểm soát cơn thèm ăn khi mang thai nhé hoặc thay thế các đồ ngọt nhiều đường tinh luyện bằng trái cây và rau củ tự nhiên để đảm bảo sức khỏe tốt hơn.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.