Bác sĩ Nguyễn Huy Cường – Nguyên bác sĩ khoa Đái Tháo đường, Bệnh viện Nội tiết cho biết những người tiểu đường không cần ăn kiêng thái quá, nhưng chú ý nếu có uống rượu thì uống sau khi ăn no.
|
Thói quen ăn kiêng tuyệt đối của người bị tiểu đường là không tốt. |
Kiêng khem đủ thứ vì tiểu đường
Anh Nguyễn Văn Cảnh – 42 tuổi trú tại Liễu Giai, Hà Nội tâm sự, từ khi biết mình bị tiểu đường, 2 năm nay, anh Cảnh đành cai hết các thói quen uống bia, nhậu nhẹt của mình. Anh bước vào thế giới của những người ăn kiêng. Nhờ thế, anh kiểm soát được lượng đường huyết.
Nhưng công việc phải tiếp khách nên anh không thể từ chối mãi được nhất là tiệc tùng liên hoan công ty và đi đám cưới.
Những ngày đầu anh còn từ chối nhưng cũng không thể từ chối mãi. Cách đây hai tháng, anh Cảnh đi ăn cỗ cưới của con trai sếp. Dù có vợ ngồi cùng để cấu tay, giật chân nhưng khi vào mâm tiệc, vui quá, anh tạm cho mình thả phanh.
Đang uống rượu, anh Cảnh mệt gục xuống bàn, mọi người tưởng anh bị
say rượu nên dìu anh ra chỗ khác. Vợ anh thấy chồng mệt lả, trước chưa bị bệnh anh không say rượu kiểu lả đi bao giờ nên chị không nghĩ đó là say rượu. Chị gọi điện cho bác sĩ riêng của chồng và giật mình khi bác sĩ cảnh báo đưa vào viện luôn vì có thể do hạ đường huyết. Nhờ sự nhanh trí của vợ mà anh Cảnh đã được cấp cứu.
Trường hợp của anh Lã Đức Hà trú tại Đình Bảng, Bắc Ninh cũng tương tự. Anh Hà là bệnh nhân tiểu đường 6 năm nay. Anh phải uống thuốc và điều trị insulin hàng ngày. Nói đến ăn uống, tiệc tùng là anh sởn da gà vì một lần tý mất mạng sau khi đi liên hoan về.
Anh Hà cho biết anh vẫn ăn kiêng nhưng trước khi đi liên hoan, uống rượu anh không có thói quen thử đường huyết. Sau lần cấp cứu đó, bác sĩ cảnh báo phải thử đường huyết trước khi nhập tiệc vì rượu cũng có thể gây hạ đường huyết của người tiểu đường.
Ăn như thế nào cho đủ?
Thói quen bị tiểu đường ăn kiêng, không ăn đồ ngọt, tinh bột là sai lầm. Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường cho biết người tiểu đường không cần phải quá lo lắng cho bữa ăn của mình. Quan niệm ăn kiêng của người tiểu đường đôi khi thái quá. Bất kể ăn gì cũng cần đảm bảo đủ khối lượng nên ăn? Cân bằng các chất đạm, chất béo, chất bột đường, rau, quả chín. Người bị tiểu đường nên biết cách tính khối lượng đường khi ăn vì khối lượng chất bột đường ảnh hưởng rất lớn đến đường máu. Vì thế những người tiểu đường phải có thói quen nhìn bữa ăn đoán lượng đường những món nào chứa bột đường.
Thạc sĩ Cường cho biết ngay cả thức ăn được dán nhãn “không có đường” hay “đồ ăn kiêng cho người tiểu đường” không có nghĩa là trong đó không có chất bột đường. Ví dụ như 100g bột sữa dành cho người tiểu đường thường có 50-55g chất bột đường, sau khi pha chế: mỗi cốc sữa tiêu chuẩn thường có 25-30g chất bột đường. Nên nhiều người thắc mắc với bác sĩ tại sao sau khi uống sữa dành cho người tiểu đường thấy đường máu vẫn tăng cao là vì thế.
Trong trường hợp bắt buộc phải uống rượu, nên thử đường máu trước khi uống rượu: rượu có thể gây hạ đường máu. Và khi uống rượu thì phải ăn thức ăn có chất bột đường. Nếu người bệnh chỉ nhấm nháp những thứ đồ nhậu như nem chua, quả cóc, thịt bò khô, pho-mat mà uống nhiều rượu sẽ làm gan sản xuất ra ít đường hơn nên dễ bị hạ đường máu. Để có thể kiểm soát đường huyết tốt nhất nên ăn cơm trước khi uống rượu.
Thạc sĩ Cường cho biết trong bữa nhậu không nên giấu bệnh tiểu đường của mình vì cần có người biết mình bị tiểu đường để phòng khi có sự cố. Đặc biệt là các triệu chứng say rượu và hạ đường máu giống nhau.
Bữa tiệc tàn người bệnh nên tạo thói quen đi bộ khoảng 1 giờ đồng hồ vì đi bộ giúp lượng đường trong máu được tiêu thụ vìlượng thức ăn nạp trong bữa tiệc.
Khánh Ngọc