Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh có cảm giác mệt mỏi, sốt, đau họng, mắt nhức đau, nổi cộm, chảy nước mắt, đỏ, nhiều gỉ mắt…
Bệnh đau mắt đỏ đang có tốc độ lây lan khá nhanh ở cả miền Bắc và miền Nam, số ca bệnh nhân nhiễm đau mắt đỏ tăng đột biến đặc biệt trong thời điểm cuối hè sang thu. Theo thống kê tại bệnh viện Mắt TP HCM, trung bình 2 tuần gần đây có khoảng 2.000 lượt bệnh nhân đến khám tại đây, 1.500-2.000 lượt bệnh nhân tại viện mắt Trung ương ngoài Hà Nội. Hiện tại, dịch bệnh đau mắt đỏ không những không thuyên giảm mà ngày càng lan rộng mạnh hơn khiến nhiều người không khỏi lo lắng.
Bệnh của người lớn và trẻ nhỏ
Mới đây, chị Thanh Thủy ở Cầu Giấy, Hà Nội phải đến viện Mắt Trung ương để khám. Chị kể: “Mình lo lắng vô cùng khi chiều hôm kia về nhà, tự dưng thấy mắt trái nổi cộm, đỏ lừ, nhức mắt. Mình dùng nước nhỏ mắt tra nhưng không đỡ, thậm chí chiều hôm qua mình còn bị đau nốt mắt còn lại. Hôm nay vì đau nhức mắt quá nên mình đi khám”.
Đi khám chị được biết mình bị nhiễm virus đau mắt đỏ. Chị Thủy lo lắng cho mình một thì lo cho con gái nhiều hơn. Chị phải gửi con sang nhà ông bà ngoại để tránh lây bệnh từ mẹ. Để ý chị thấy cả khu tập thể mình ở cũng có rất nhiều người bị đau mắt đỏ.
Bệnh đau mắt đỏ đang có tốc độ lây lan khá nhanh
Chị Ngọc Diệp (quận 7, TP HCM) là một bệnh nhân tới khám tại Bệnh viện Mắt TP.HCM. Theo lời chị Diệp thì cả tuần này chị nghỉ làm ở nhà vì bị lây bệnh đau mắt đỏ từ con. Bé Xíu nhà chị vừa tròn 25 tháng, chị cho bé đi học mẫu giáo được 2 tuần. Đang vui mừng vì bé hòa nhập trường lớp rất nhanh thì cả nhà chị được phen lo lắng khi bé bị đau mắt đỏ vì lây bạn cùng lớp.
Tuần trước chị xót xa nhìn mắt con đỏ lừ, con kêu khóc suốt thì hôm sau chị bị lây của bé. Chị tâm sự: “Bây giờ con mình có vẻ đỡ rồi thì mình lại bị nặng lên. Mắt đau, ngứa rát, nước mắt chảy dàn dụa. Khó chịu vô cùng”.
Đau mắt đỏ: Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Bác sĩ Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương) nhấn mạnh, đau mắt đỏ là một loại bệnh mà phòng bệnh tốt và đơn giản hơn nhiều chữa bệnh.
Nguyên nhân của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus hoặc do nhiễm trùng. Nhưng đa phần là do virus. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ trở thành dịch và khả năng lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua nhiều đường: qua hô hấp, nước bọt, qua tay, qua cầm nắm chạm vào những đồ vật của nguồn bệnh, qua thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng…
Triệu chứng thường gặp của bệnh bao gồm: Người bệnh có cảm giác mệt mỏi, hâm hấp sốt, đau họng, ho, tai xuất hiện hạch (có thể). Đặc biệt, mắt cảm thấy nhức đau, nổi cộm, chảy nước mắt, đỏ, nhiều gỉ mắt, nhất là sau khi ngủ dậy mắt khó mở vì nhiều gỉ quanh mắt.
Hiện tại, đau mắt đỏ không có thuốc đặc trị, chỉ có thể dựa vào chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cẩn thận thì sau 6-10 ngày, virus sẽ tự hết, người bệnh mới có khả năng khỏi. Vì vậy, tốt nhất, người dân nên áp dụng tốt các biện pháp phòng để tránh mắc bệnh và gặp khó khăn khi điều trị.
Bạn nên thường xuyên rửa tay chân sạch sẽ, xúc miệng nước muối
Theo lời khuyên của các bác sĩ thì để tránh bị bệnh đau mắt đỏ, người dân nên thực hiện tốt những điều sau đây:
Chữa bệnh
– Rửa mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý, không tự ý dùng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Có không ít bệnh nhân gặp họa khi tự ý dùng thuốc kháng sinh, họ khiến tình trạng bệnh của mình bị nặng hơn.
– Nếu trẻ bị đau mắt (thông thường sẽ bị 1 bên mắt trước), cha mẹ cần chăm sóc bé thật cẩn thận, tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Cho bé nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay gỉ và nước mắt chảy ra khi vệ sinh mắt (áp dụng tương tự với người lớn).
– Trước khi vệ sinh mắt, người bệnh (cha mẹ của người bệnh) cần vệ sinh tay chân thật sạch sẽ. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn có tác dụng tốt hạn chế virus đau mắt đỏ lây lan cho người khác. Hạn chế đến chỗ đông người đặc biệt là nguồn dịch.
– Khi thấy bệnh nặng hơn, mắt mờ đi, bạn cần tới ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám. Nếu bệnh không kịp thời được điều trị, chăm sóc cẩn thận, người bệnh sẽ bị giảm thị lực, gây sẹo.
– Người bệnh cần được nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp tránh lây lan cho người khác, trẻ nên được ở nhà, không đưa đến nhà trẻ trường học hoặc nơi đông người trong thời gian bị bệnh.
Phòng bệnh
– Phòng bệnh là một công tác quan trọng trong việc hạn chế lây lan. Bạn nên thường xuyên rửa tay chân sạch sẽ, súc miệng nước muối thường xuyên. Tránh đến nơi đông người, đặc biệt là nguồn dịch. Tránh dụi tay vào mắt. Hạn chế bơi lội trong giai đoạn phát dịch.
– Không dùng chung đồ dùng, dụng cụ với người bệnh. Uống thật nhiều nước để cơ thể có thể thải được độc tố trong cơ thể. Khi đi ra ngoài, bạn cần đeo kính chắn bụi, chắn virus.
– Rửa mặt, rửa mắt ít nhất 3 lần/ngày bằng nước sạch, dùng khăn riêng. Vệ sinh khăn mặt của mình bằng cách giặt sạch và phơi ngoài nắng. Vệ sinh sạch sẽ phòng ốc, thường xuyên giặt ga giường, vỏ gối,…