Trang chủ Đời sống

Vì sao ‘Chúa nhẫn’ vĩ đại?

0
410

Quy mô tham vọng, địa điểm ghi hình lý tưởng, tài nguyên dồi dào từ nguyên tác chất lượng, tất cả giúp “The Lord of the Rings” trở thành tượng đài điện ảnh đứng vững sau 20 năm.

Sau gần 20 năm, The Lord of the Rings đã trở thành tượng đài trong ngành công nghiệp điện ảnh. Ba tập phim Chúa nhẫn đem về khoản doanh thu lên tới 2,981 tỷ USD toàn cầu. Từ 30 đề cử Oscar, thương hiệu ra về với 17 tượng vàng. Riêng phần cuối – The Return of the King (2003) – thắng toàn bộ 11 đề cử, trong đó có Phim truyện xuất sắc.

Thành công và tầm vóc của The Lord of the Rings đến từ nhiều góc độ mà khó có thương hiệu giả tưởng nào đủ khả năng bì lại sau hai thập kỷ.

Tham vọng của dự án

Thể loại giả tưởng (fantasy) hiện gắn liền với ngành công nghiệp truyền hình và điện ảnh, với các sản phẩm nổi bật như The Witcher trên Netflix, Game of Thrones trên HBO, hay loạt phim chuyển thể Harry Potter. Song, khi phần đầu của The Lords of the Ring – The Fellowship of the Ring – ra mắt cuối 2001, đó là một sự kiện điện ảnh chưa từng thấy.

The Lord of the Rings không phải là tựa phim đầu tiên thuộc thể loại fantasy. Nhưng tham vọng của chuỗi dự án thì hiếm có tác phẩm nào sánh bằng. Ảnh: New Line Cinema.

Quy mô sản xuất của loạt phim khiến người ta phải kinh ngạc về mọi mặt: những khung hình toàn cảnh (panorama), trường quay ngoại cỡ, nhạc phim đậm chất anh hùng ca, thiết kế vũ khí đa dạng, và hóa trang cực kỳ công phu. Không có bất cứ yếu tố nào trong dự án bị coi nhẹ.

Minh chứng rõ ràng nhất là The Lord of the Rings vẫn có thể cạnh tranh, thậm chí có phần nhỉnh hơn, về mặt hình ảnh so với các tựa phim được kỹ xảo hiện đại hỗ trợ hết mức sau này. Theo dõi lại bộ ba tác phẩm sau 20 năm, khán giả khó có thể tìm ra điểm nào đáng chê.

Nguyên tác xuất sắc sẵn có

Đa số tác phẩm điện ảnh chuyển thể đều không thể vượt qua được cái bóng của nguyên tác văn học. Những trường hợp ngoại lệ rất hiếm, đặc biệt đối với thể loại giả tưởng. Với The Lord of the Rings, nguyên tác của J.R.R. Tolkien vốn có sẵn chỗ đứng vững chắc trong lịch sử văn học.

Nguyên tác The Lord of the Rings là kết tinh từ cả một đời say mê thần thoại và truyền thuyết cổ của Tolkien, với chiều sâu mà các tác phẩm hiện đại khó sánh bằng. Ảnh: New Line Cinema.

Chọn chất lượng thay vì số lượng, Tolkien dành hàng năm, thậm chí thập kỷ, để trau chuốt bản thảo, lọc ra những chi tiết không khớp và kết hợp nhuần nhuyễn nhiều nền văn hóa lẫn ngôn ngữ vào trong câu chuyện.

Nguyên tác tất yếu trở thành bản thiết kế chi tiết để Peter Jackson và đồng nghiệp đưa lên màn ảnh rộng. Có những tình tiết được lược bỏ hoặc sáng tạo thêm, nhưng bộ sách rõ ràng là nguồn cảm hứng vô tận cho đội ngũ làm phim.

Dàn diễn viên mỹ mãn

Trong lĩnh vực tuyển vai, các dự án điện ảnh quy mô lớn thường đi theo hai xu huớng: hoặc chọn các sao hạng A để thu hút khán giả cũng như đảm nhận phần lớn thời lượng lên hình, hoặc tập trung tuyển chọn các diễn viên chất lượng mà không quan trọng danh tiếng.

Dàn diễn viên chính trong The Lord of the Rings. Ảnh: New Line Cinema.

The Lord of the Rings thực tế đã kết hợp cả hai phương án trên. Những ngôi sao từng từ chối dự án này bao gồm Sean Connery, Kate Winslet, Uma Thurman, Nicolas Cage, Russell Crowe và Christopher Plummer.

Nhưng Peter Jackson đã định hình rõ ông muốn ai tham gia, và thuyết phục được ngài Ian McKellen lẫn minh tinh Cate Blanchett. Bên cạnh họ là những diễn viên ít tên tuổi hơn tại thời điểm đó như Orlando Bloom và Sean Bean. Ngay cả những người xuất hiện vào phút chót như Viggo Mortensen cũng là lựa chọn hoàn hảo cho vai được phân.

Sự trau chuốt đến từng chi tiết

Đoàn phim không hề qua loa ngay cả với chi tiết nhỏ nhất. Những nội dung hậu trường được tung ra sau này đã hé lộ tầm vóc của quá trình sản xuất. Các mô hình trường quay phức tạp được dựng lên thật tỉ mỉ, kịch bản thường xuyên được chỉnh sửa sao cho hợp lý, các đoạn hội thoại được dịch sang tiếng Elf để sử dụng khi ghi hình…

Khi nói đến chi tiết thì không thể bỏ qua phần phục trang. Đây là lĩnh vực mà ê-kíp tỏa sáng, bởi họ đã thuê cả thợ rèn kiếm chuyên nghiệp để tạo ra vũ khí phục vụ dự án. 10.000 mũi tên được sản xuất chỉ để quay The Fellowship of the Ring, 12,5 triệu sợi xích được rèn để làm áo giáp xuyên suốt ba phần phim. Không chỉ thế, 1.800 cặp chân người Hobbit được làm ra để các diễn viên sử dụng.

Cận cảnh một thanh kiếm trong phim. Ảnh: New Line Cinema.

Không cần quan sát đâu xa, chỉ cần so sánh giữa The Lord of the Rings và loạt tiền truyện được sản xuất sau này là The Hobbit cũng thấy sự khác biệt trong chi tiết. The Hobbit không tồi, nhưng chắc chắn không thể sánh bằng The Lord of the Rings do phụ thuộc vào CGI thay vì đạo cụ thực tế.

Thông điệp đạo đức tinh tế mà mạnh mẽ

Thông điệp trong The Lord of the Rings được truyền tải một cách tinh tế và góp phần không nhỏ vào danh tiếng của loạt phim. Cuộc chiến thiện – ác như trong tác phẩm cùng thể loại The Chronicles of Narnia tỏ ra một chiều. Ngược lại, Game of Thrones khiến nhiều tranh luận trái chiều nổ ra xung quanh mọi nhân vật lẫn sự kiện.

Cuộc đối đầu thiện – ác trong phim không hề tỏ ra khuôn sáo mà đặt ra nhiều suy ngẫm cho người xem. Ảnh: New Line Cinema.

The Lord of the Rings vững vàng đi giữa hai xu thế trên. Câu chuyện của Tolkien có những bài học đạo đức rõ ràng, như người lương thiện là lẽ phải, còn kẻ ác là sai trái. Đồng thời, công chúng vẫn cảm nhận được cuộc đấu tranh nội tâm để làm điều đúng đắn của các nhân vật.

Boromir chìm vào cám dỗ trước khi chuộc lỗi. Lịch sử của Elf, con người và người lùn đều hỗn độn, đầy rẫy căm thù và bạo lực. Gollum là ví dụ điển hình cho việc phải tự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong bản thân. Khán giả từ đó đồng cảm với từng nhân vật, mà vẫn có thể nhìn rõ đâu là tốt, đâu là xấu để ủng hộ chính nghĩa.

Địa điểm ghi hình và trường quay hoành tráng

Địa điểm vô cùng quan trọng, đặc biệt ở Hollywood. Đạo diễn Peter Jackson nhận thức rất rõ điều này nên quyết định cho ghi hình phần lớn loạt phim ở quê nhà New Zealand. Phong cảnh đầy mê hoặc của đảo quốc quá phù hợp để trở thành vùng Trung Địa trên màn ảnh.

New Zealand đem đến những gì đoàn phim cần có, từ dãy ngọn đồi xanh mướt trập trùng phía xa làng Hobbiton cho đến các dốc đứng bên đại dương như Misty Mountain. Ảnh: New Line Cinema.

Quyết định trên thậm chí còn thúc đẩy ngành điện ảnh của New Zealand, giúp đây trở thành địa điểm tiềm năng để Hollywood đã và đang khai thác. Vẻ đẹp tự nhiên của đất nước đã vượt qua bất cứ những gì công nghệ CGI có thể đáp ứng. Mới nhất, bom tấn Avatar 2 của James Cameron cũng ghi hình một phần ở New Zealand.

Với công nghệ CGI còn bị giới hạn, Peter Jackson và đồng nghiệp phải cố gắng hết mình để đáp ứng yêu cầu trong việc tạo nên thế giới của bộ phim. Cảnh quan thiên nhiên New Zealand hỗ trợ rất nhiều, nhưng chỉ thế vẫn là chưa đủ. Đoàn phim phải bắt tay xây dựng rất nhiều thứ, từ đào hang làm nhà cho người Hobbit đến thực hiện phần lớn cảnh quan của Helm’s Deep hay Edoras.

CGI chỉ được dùng cho những chi tiết nhất định. Những bức tường, tòa tháp, ngôi nhà và cung điện khán giả thấy trên màn ảnh được dựng lên từ những gì đoàn phim có thể tìm được, với quy mô ngoài sức tưởng tượng mà chưa có dự án nào từng làm hay lặp lại.

Không lạm dụng CGI

Một tác phẩm có thể được khen ngợi nhờ sử dụng kỹ xảo hình ảnh một cách mãn nhãn mà hợp lý, hoặc rất nỗ lực để không phụ thuộc vào công nghệ. Thêm một lần nữa, The Lord of the Rings lại hưởng lợi từ cả hai thái cực.

Một mặt, bộ ba phim Chúa nhẫn có nguồn kinh phí dồi dào và được thực hiện tại thời điểm CGI chưa hoàn thiện như hiện nay. Dẫu vậy, chính công nghệ đột phá đã biến Andy Serkis thành Gollum và dựng nên nhiều khung cảnh hùng vĩ như các chiến binh Elf, đội quân Orc hay Rohirrim.

Andy Serkis có màn hóa thân xuất sắc thành Gollum nhờ công nghệ motion capture.

Mặt khác, đoàn phim đương nhiên sẽ cần hóa trang cho các diễn viên, đặc biệt là khi quay cận cảnh. Điều này tạo nên cảm giác chân thực mà kỹ xảo dù có hiện đại tới đâu cũng khó có thể bù đắp hoàn toàn. Khi đặt The Lord of the Rings bên cạnh The Hobbit, thêm một lần nữa khán giả lại thấy nhược điểm của việc lạm dụng CGI.

Nhạc nền và các bản phim mở rộng

Một bộ phim hay phải đi kèm nhạc nền tốt. Những nhạc phẩm mà Howard Shore dành cho The Lord of the Rings hiện vẫn được trân trọng trên toàn thế giới.

Nhạc phim của Shore không chỉ hay, mà giờ đã gắn liền với Tolkien. Nếu không có nó, The Lord of the Rings sẽ không còn hoàn hảo.

Khán giả khó mà không cảm động khi thấy Frodo và Sam băng qua vùng The Shire, Gandalf đối đầu Balrog ở Moria, hay Aragorn tràn qua Black Gate vì Frodo. Những nốt nhạc cảm xúc và mang chất hoài niệm của Shore giúp nâng loạt phim lên một tầm cao khác trong dòng phim giả tưởng kỳ ảo.

Bản công chiếu ngoài rạp của The Lord of the Rings vốn đã khá dài và đủ ấn tượng, nhưng các bản mở rộng (extended) còn cải thiện chúng hơn nữa.

Tổng thời lượng của ba bản extended dài hơn hai tiếng so với tổng thời lượng các bản chiếu rạp – vốn đã dài hơn 9 tiếng. Những nội dung được thêm vào đều đã được cắt dựng cẩn thận cho khán giả.

Bản mở rộng còn giới thiệu những nhân vật vốn bị cắt hoàn toàn khỏi bản chiếu rạp như Mouth of Sauron.

Các bản extended là cực kỳ thiết yếu để khán giả hình dung nên toàn bộ câu chuyện của The Lord of the Rings. Chúng cho người xem thấy đời sống ở vùng The Shire, hay tiết lộ cái kết dành cho Saruman.

Sự liền mạch tạo nên điểm khác biệt

Khi thực hiện nhiều phần hay mùa phim về một câu chuyện chung, sự liền mạch là yếu tố quyết định. Việc duy trì quá trình truyền tải sẽ quyết định trải nghiệm của khán giả.

The Chronicles of Narnia gặp trục trặc khi câu chuyện gồm bảy phần cạn kiệt chỉ sau ba tập phim bởi lịch phát hành không đều, chưa kể thương hiệu còn bị thuyên chuyển qua tay các hãng phim khác nhau. Game of Thrones cũng không tránh khỏi trở ngại trên bởi nguyên tác chưa kết thúc và đội ngũ biên kịch phải tìm cách tự xử lý.

Kết hợp với chất lượng hình ảnh, âm nhạc, đạo cụ, The Lord of the Rings đã có cốt truyện hoàn thiện mà từ đó nhà làm phim có thể lên kế hoạch trước thông qua kịch bản chặt chẽ để ghi hình liên tục ba phần phim. Khoảng cách một năm giữa mỗi phần là lý tưởng, bởi khán giả không phải chờ đợi quá lâu giữa bối cảnh các nội dung mới liên tục ra mắt.