Trang chủ Đời sống

Thế giới còn bao nhiêu vàng để khai thác?

0
400

Tháng trước, giá vàng đạt kỉ lục mới khi tăng vọt lên hơn 2.000 USD/ounce và chỉ vừa giảm thời gian gần đây. Trong khi giá vàng liên tục biến động, nhiều người lại đặt câu hỏi khi nào nguồn cung vàng cạn kiệt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Vàng đang thu hút sự chú ý như một khoản đầu tư tốt, một biểu tượng cho vị thế xã hội và đồng thời là một thành phần quan trọng trong hàng loạt sản phẩm điện tử.

Tuy nhiên, vàng cũng là một nguồn tài nguyên hữu hạn và cuối cùng sẽ đến một giai đoạn thế giới không còn vàng để khai thác.

Đỉnh vàng

Theo hãng tin BBC của Anh, các chuyên gia từng thảo luận về khái niệm đỉnh vàng, tức là khi khối lượng vàng mà chúng ta có thể khai thác trong một năm đạt đỉnh. Một số người tin là thế giới đã đạt đến đỉnh vàng.

Theo lí thuyết đường cong Hubbert, sau khi đạt đến đỉnh vàng, sản lượng vàng sẽ giảm dần cho đến khi chạm mức 0.

Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, tổng sản lượng vàng khai thác trong năm 2019 đạt 3.531 tấn, giảm 1% so với năm 2018. Kể từ năm 2008, 2019 là năm đầu tiên sản lượng vàng khai thác thường niên giảm.

“Tăng trưởng nguồn cung vàng có thể chậm lại hoặc giảm nhẹ trong vài năm tới vì trữ lượng vàng hiện có đang cạn kiệt và số lượng mỏ mới phát hiện càng hiếm hoi. Tuy nhiên, dự đoán sản lượng vàng đạt đỉnh có lẽ còn hơi sớm”, bà Hannah Brandstaetter – phát ngôn viên của WGC, cho hay.

Ngay cả khi đạt đến đỉnh vàng, các chuyên gia cho biết nhiều năm sau sự kiện này, sản lượng vàng chưa chắc sẽ giảm mạnh. Thay vào đó, sản lượng vàng có thể phải mất thêm hàng chục năm nữa mới cạn kiệt.

Ông Ross Norman của trang phân tích MetalsDaily.com nhận định: “Sản lượng vàng khai thác đang đi ngang và có xu hướng đi xuống, nhưng không đáng kể lắm”.

Còn bao nhiêu vàng để khai thác?

Các công ty khai thác ước tính khối lượng vàng còn lại trong lòng đất theo hai cách: Trữ lượng (vàng có khả năng giao dịch để khai thác ở mức giá hiện tại) và Tài nguyên (vàng có thể có khả năng giao dịch để khai thác sau khi nghiên cứu mỏ sâu hơn hoặc ở mức giá cao hơn).

Trữ lượng vàng có thể được tính toán chính xác hơn lượng tài nguyên vàng, dù đây là một quá trình không hề dễ dàng.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trữ lượng vàng dưới lòng đất hiện ước tính còn khoảng 50.000 tấn. Trong khi đó, cho đến nay tổng cộng khoảng 190.000 tấn vàng đã được khai thác.

Dựa trên tính toán sơ bộ, thế giới còn khoảng 20% trữ lượng vàng chưa được khai thác. Tuy nhiên, con số này cũng chưa cố định.

Các công nghệ hiện đại có thể giúp trích xuất một số trữ lượng vàng hiện chưa có khả năng giao dịch kinh tế. Các cải tiến công nghệ gần đây như Big Data, trí tuệ nhân tạo (AI) và khai thác dữ liệu thông minh có thể tối ưu hóa qui trình khai thác vàng và giảm chi phí.

Các nguồn vàng lớn nhất lịch sử

Nguồn vàng lớn nhất trong lịch sử là lưu vực Witwatersrand tại Nam Phi. Witwatersrand chiếm khoảng 30% tổng lượng vàng từng được khai thác.

Các nguồn vàng lớn khác còn có mỏ Mponeng ở Nam Phi, mỏ Super Pit và Newmont Boddington tại Australia, mỏ Grasberg ở Indonesia và một số mỏ khác ở bang Nevada, Mỹ.

Trung Quốc hiện là nhà khai thác vàng lớn nhất thế giới, trong khi Canada, Nga và Peru cũng là các nhà sản xuất lớn.

Về doanh nghiệp, Nevada Gold Mines do Barrick Gold sở hữu phần lớn cổ phần là tổ hợp khai thác vàng lớn nhất thế giới, sản xuất khoảng 3,5 triệu ounce/năm.

Giới chuyên gia cho biết, dù các công ty khai thác vẫn tìm thấy các mỏ vàng mới, số lượng các mỏ qui mô lớn ngày càng hiếm. Do đó, hầu hết sản lượng vàng hiện nay đều đến từ các mỏ cũ đã khai thác trong nhiều thập kỉ qua.

Khai thác vàng qui mô lớn cực kì tốn kém, sử dụng nhiều máy móc và chuyên môn để khai phá các khu vực rộng lớn trên và dưới mặt đất. Hiện nay, khoảng 60% hoạt động khai thác vàng trên thế giới diễn ra trên mặt đất, 40% còn lại là mỏ dưới lòng đất.

Thế giới không còn nhiều khu vực để đào vàng, và các điểm đến hứa hẹn nhất lại nằm ở một số khu vực bất ổn như ở Tây Phi.

Giá vàng tăng và hoạt động khai thác vàng

Dù giá vàng đạt kỉ lục trong tháng 8, điều đó không đồng nghĩa rằng hoạt động khai thác cũng tăng theo.

Trên thực tế, thay đổi trong sản lượng vàng khai thác thường tác động rất chậm đến giá vàng.

Bà Brandstaetter của WGC cho hay: “Do qui mô khai thác, các doanh nghiệp cần thời gian thay đổi kế hoạch khai thác để phản ứng với những thay đổi bên ngoài, chẳng hạn như giá vàng”.

Ngoài ra, giá vàng đạt kỉ lục giữa lúc đại dịch COVID-19 đang hoành hành, khiến việc khai thác vàng trở nên khó khăn hơn vì các mỏ khai thác đều bị đóng cửa hoặc đóng cửa một phần để hạn chế tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2.

Giá vàng thực chất tăng vì đại dịch COVD-19, khi nhà đầu tư coi vàng là tài sản trú ẩn trong thời điểm bất ổn kinh tế.

Nguồn vàng ở chỗ hiếm

Vàng trong lòng đất không phải là nguồn duy nhất, vì trên mặt trăng cũng có vàng. Tuy nhiên, chi phí liên quan đến khai thác và vận chuyển trở lại Trái đất cao hơn nhiều so với giá trị của số vàng này.

Tương tự, một số chuyên gia cho biết có vài mỏ vàng ở Nam Cực nhưng không khả thi để khai thác vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt của lục địa này.

Ngoài ra, vàng cũng nằm rải rác dọc theo đáy đại dương nhưng cũng không được coi là có giá trị kinh tế để khai thác.

Khác với các tài nguyên không thể tái tạo như dầu mỏ, vàng có thể tái chế. Cho nên, chúng ta sẽ không bao giờ hết vàng, ngay cả khi không thể khai thác thêm.

Một lượng lớn vàng được sử dụng trong các thiết bị điện tử dùng một lần, chẳng hạn điện thoại di động. Lượng vàng trung bình trong một chiếc điện thoại trị giá khoảng vài bảng Anh. Hiện tại, giới khoa học đang nỗ lực tái chế vàng trích xuất từ rác thải điện tử.