Trước đây, cây sắn dây mọc hoang khắp nước ta, hiện nay được trồng khắp nơi để lấy củ ăn và chế biến thành bột sắn dây làm thuốc.
Tạ Kiều Phương My (37 tuổi, tỉnh Bình Thuận)
TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc, Trưởng phòng Đào tạo Nghiên cứu Viện Y Dược học dân tộc TPHCM
tư vấn: Cây sắn dây là một loại dây leo, có thể dài tới 10m, rễ phát triển to lên thành củ, nhiều bột. Thân cây hơi có lông, hoa màu xanh, có mọc thành chùm ở kẽ lá. Quả dài từ 9-10cm, rộng 10mm, màu vàng nhạt.
Trước đây, cây mọc hoang khắp nước ta, hiện nay được trồng khắp nơi để lấy củ ăn và chế biến thành bột sắn dây làm thuốc.
Cây sắn dây không có độc, là một trong những vị thuốc trong đông y để điều trị nhiều bệnh. Điều đặc biệt ở cây sắn dây là tất cả các bộ phận của cây từ hoa, củ, rễ… trị say xỉn rượu bia.
Tại Việt Nam, bột sắn dây được bán phổ biến hơn, do đó có thể mua về pha nước uống cho mát, giảm nhiệt, đặc biệt là người say do bia rượu. Tại Trung Quốc, người ta còn dùng hoa sắn dây làm thuốc chữa say rượu.
Uống bột sắn dây lúc nào tốt nhất? Bột sắn dây có tác dụng tráng bao tử, từ đó giảm hấp thu rượu và kết hợp đào thải rượu bia ra ngoài.
Do đó, có thể uống trước khi nhậu – lúc này bụng rỗng dễ say xỉn, đồng thời tạo lớp màng bảo vệ dạ dày, giảm hấp thu chất độc từ rượu bia. Và uống sau khi nhậu xong để đào thải độc chất.
Cây sắn dây có tác dụng giải rượu, nhưng nếu người say rượu xuất hiện thêm triệu chứng buồn ói nên uống trà gừng chống ói, và tiếp tục ăn chè đậu xanh, uống nước đậu xanh để giải độc, giảm thêm tác dụng phụ sau khi uống rượu.
Ngoài việc chữa say xỉn, củ sắn dây có tác dụng giải nhiệt, chữa bệnh nhức đầu, thiếu nước, chữa sốt, làm cho ra mồ hôi, người bệnh khát nước… sẽ dùng từ 8 – 20gram dưới dạng thuốc sắc. Củ được thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 3-4 năm sau, còn rễ cây sắn dây được thu hoạch bắt đầu từ sau tết nguyên đán đến hết tháng 4.
Chúc gia đình bạn có một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc!
Theo Phụ nữ TPHCM