Trang chủ Tài Chính

Nên làm gì khi quá lo lắng về tài chính, tiền bạc?

0
372

Trong rất nhiều trường hợp, khó khăn tài chính chưa thực sự nghiêm trọng với bạn nhưng căng thẳng, lo lắng do áp lực tài chính sẽ khiến bạn nghẹt thở. Điều quan trọng là bạn phải biết cách vượt qua.

Hầu hết mọi người đều có những mối lo khác nhau liên quan đến tài chính, chẳng hạn như muốn nhanh ổn định thu nhập, trả hết nợ nần hay tiết kiệm đủ tiền cho các mục tiêu dài hạn. Áp lực về tiền bạc có thể khiến bạn có động lực và cố gắng nhiều hơn nhưng đồng thời nó cũng có thể làm bạn kiệt sức.

Theo bài viết trên CNBC, khi quá lo lắng về tài chính, bạn hãy thử những phương pháp sau:

1. Tự nhủ rằng không chỉ bạn có vấn đề tài chính

Khi chúng ta cảm thấy chỉ có một mình mình thu nhập thấp, một mình mình nợ nần chồng chất thì căng thẳng sẽ tăng lên rất nhiều. Giả sử bạn đang căng thẳng về tiền bạc thì điều quan trọng là bạn phải thường xuyên tự nhủ rằng bạn không đơn độc.

Theo Hiệp hội Tâm lí Mỹ, vấn đề tiền bạc là nguồn căng thẳng hàng đầu trong cuộc sống của 7 trên 10 người trưởng thành. Bởi vì xung quanh có vô số người như bạn nên hãy bình tĩnh hơn và tập trung làm những việc cần làm.

2. Dành thời gian nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi là giải pháp để bạn có động lực giải quyết nỗi lo về tài chính.

Khi chúng ta lo lắng, tâm trí của chúng ta có thể mất kiểm soát, do đó tốt nhất là bạn phải nghỉ ngơi và giải tỏa kịp thời bằng cách tìm kiếm, thực hiện một số hoạt động bạn yêu thích hoặc có hiệu quả thư giãn. Sức khỏe tinh thần tốt sẽ tạo điều kiện để bạn làm tốt các công việc của mình.

Một số lựa chọn dành cho bạn có thể bao gồm đi dạo, trò chuyện với bạn bè và người thân, nghe nhạc và đọc sách hay đơn giản là dành chút thời gian để hít thở sâu. Thực hiện các bài tập thở có thể giúp giảm nhịp tim, giảm huyết áp, giảm hormone căng thẳng và giúp bạn suy nghĩ sáng suốt.

3. Tránh suy nghĩ thảm hại

“Tôi là con nợ tín dụng. Tôi là một kẻ thất bại trong tất cả mọi việc” hoặc “Tôi là kẻ thất nghiệp, sẽ mãi mãi nghèo túng”, đó đều là những suy nghĩ đáng sợ khi tình hình tài chính của chúng ta vượt qua khỏi tầm kiểm soát.

Dù không muốn nhưng chúng ta dễ suy ngẫm phi lí về những gì có thể xảy ra và tự hỏi bản thân là ai, vì sao lại khó khăn như thế. Những suy nghĩ phóng đại, tiêu cực này tạo ra những cảm xúc căng thẳng. Để giảm thiểu tác động tiêu cực của những lo lắng, bạn cần nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan.

4. Suy nghĩ về trường hợp xấu nhất

Nếu như ở bên trên bạn vừa được khuyên rằng tránh những suy nghĩ thảm hại thì tại sao đến bước này, bạn lại phải tính đến trường hợp tệ nhất? Phương pháp này giúp bạn thẳng thắn đối mặt với nỗi sợ hãi.

Đừng nghĩ quá nghiêm trọng, vô căn cứ nhưng bạn cũng không nên lờ đi hoặc cố trốn tránh. Dự đoán tình huống xấu nhất cũng là một hình thức trị liệu tiếp xúc và có thể giúp bạn giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát.

Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về nó. Ví dụ, nếu bạn bị mất việc thì điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Nếu bạn phải chuyển về sống cùng gia đình hoặc bạn bè thì sẽ thế nào, liệu có tốt hơn?

Đối với hầu hết mọi người, việc tìm hiểu chi tiết sẽ khiến họ nhận ra rằng tình huống dù có thể khó chịu và bất tiện nhưng biết đâu cuối cùng nhờ đó mà vấn đề tài chính của bạn có thể được giải quyết.

5. Tìm kiếm sự giúp đỡ

Sự lo lắng của chúng ta tăng lên khi thiếu tự tin vào khả năng đối mặt với thử thách của bản thân. Điều này phổ biến nhất khi quản lí tài chính cá nhân vì hầu hết mọi người đều thiếu kiến thức cơ bản về tài chính.

Nếu mối lo về tài chính đang khiến bạn khó khăn trong việc xoay sở cuộc sống của mình như không đủ tiền ăn ở, sinh hoạt thì bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Gặp gỡ chuyên gia sức khỏe tâm lí hay những chuyên gia tài chính cũng là giải pháp giúp bạn vượt qua và đạt được tiến bộ trong việc giải quyết những thách thức.