Qúy trọng từng phút trong ngày, tập trung vào khách hàng, lạc quan nhưng luôn chuẩn bị cho kịch bản tệ nhất là những điều người khởi nghiệp nên ghi nhớ để xây dựng hệ thống tài chính thông minh.
Khi quyết định khởi nghiệp, dường như cùng một lúc bạn phải thông thạo luật như một chuyên gia pháp lí, kiểm soát dòng tiền như một chuyên gia tài chính, hiểu con người như một chuyên viên nhân sự lành nghề… Tóm lại, xây dựng một công ty là thử thách khó khăn nhất với rất nhiều người.
Nếu bạn đang ấp ủ kế hoạch hay đã bắt đầu hành trình gian nan này, đã đến lúc học những nguyên tắc căn bản và quan trọng nhất về tiền bạc cho doanh nghiệp. 8 lời khuyên dưới đây có thể giúp bạn tránh được nhiều sai lầm đáng tiếc và đặt nền móng phát triển tốt nhất trong tương lai.
Quản lí dòng tiền là yếu tố cốt lõi
Hầu hết công ty khởi nghiệp thất bại vì nhiều lí do nhưng lí do phổ biến nhất có lẽ là hết tiền. Vì vậy, bạn cần biết rõ mỗi USD đến từ đâu và sẽ đi về đâu.
Nếu không cập nhật dòng tiền, bạn đang đặt doanh nghiệp vào vị trí rất nguy hiểm. Dù ý tưởng có tốt đến mấy mà không đủ vốn để thực hiện thì mọi kế hoạch chỉ là hão huyền. Hãy lập ngân sách và bám sát nó.
Theo dõi và giám sát mọi chi tiêu
Với một công ty khởi nghiệp mới, những khoản chi phí sẽ ập đến từ mọi hướng. Ban đầu, việc thuê một nhân viên toàn thời gian để xử lí sổ sách có thể sẽ quá nhiều nên hãy sử dụng phần mềm kế toán để duy trì hệ thống.
Điều này không chỉ giúp quản lí dòng tiền mà còn dễ dàng hơn nhiều khi thanh toán thuế luân chuyển hàng năm. Khi công ty đã phát triển và công việc kế toán trở nên phức tạp hơn, đã tới thời điểm bạn cần một người chuyên nghiệp.
Hạn chế chi phí cố định trong giai đoạn đầu
Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, giữ chi phí ở mức thấp nhất là chìa khóa để sinh tồn. Bạn không cần một văn phòng lớn ở trung tâm thành phố hay các bữa ăn được phục vụ đầy đủ 3 lần/ ngày.
Hoạt động tối giản cho phép bạn phân bổ phần lớn vốn cho mục tiêu tăng trưởng và tiết kiệm ngân sách cho các hoạt động cần thiết khác trong tương lai. Quá nhiều công ty khởi nghiệp tập trung vào những thứ sai lầm như văn phòng sang trọng và tiện nghi cao cấp và quên rằng ưu tiên hàng đầu là tạo ra doanh thu.
Giữ tinh thần lạc quan nhưng hãy chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất
Bạn không bao giờ biết được điều gì sẽ xảy ra khi kinh doanh. Vì vậy, hãy chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất. Đừng bỏ việc toàn thời gian, loại bỏ nguồn thu nhập chính của bạn cho đến khi doanh nghiệp của bạn đã đủ ổn định để thay thế nguồn thu nhập đó.
Giữ các khoản dự trữ – cả cá nhân và doanh nghiệp – trong tài khoản tiết kiệm khẩn cấp bởi mọi sự chuẩn bị đều không bao giờ là thừa thãi. Những tình huống xấu thường xảy ra vào thời điểm bất ngờ nhất.
Là một nhà khởi nghiệp, bạn phải chịu trách nhiệm về việc nghỉ hưu của mình nên trước khi mạo hiểm, hãy cân nhắc những quỹ tiết kiệm, bảo hiểm và một số khoản đầu tư an toàn, ngay cả những khoản nhỏ.
Mỗi phút đều có giá trị tiền bạc
Một cách ngắn gọn và dễ hiểu: thời gian là tiền bạc.
Không có gì có giá trị hơn thời gian của bạn. Thời gian mỗi ngày là hữu hạn nên hãy cân nhắc điều đó khi lên kế hoạch cho lịch trình và nhiệm vụ hàng ngày. Mỗi giây bạn bỏ ra để làm điều gì đó không liên quan đến công việc kinh doanh đều là thời gian (và tiền bạc) mà bạn lãng phí.
Tập trung vào khách hàng
Không có khách hàng, bạn không có doanh nghiệp. Bạn càng sớm tìm ra cách thu hút khách hàng và mở rộng quy mô thì cơ hội thành công của bạn càng lớn. Sau khi xác định các kênh chuyển đổi tốt nhất, hãy nỗ lực tối ưu hóa để giảm chi phí hoạt động.
Ban đầu, không thể kiểm tra mọi kênh chuyển đổi có thể, cả về thời gian cần thiết và chi phí. Vì vậy hãy tập trung vào những cơ hội sinh lợi nhất. Khi bạn mở rộng quy mô thành công, bạn sẽ có đủ khả năng tài chính để khám phá thêm các kênh khác.
Duy trì thu nhập đủ sống
Chỉ làm việc chăm chỉ và cống hiến hết mình cho công ty khởi nghiệp sẽ không bày thức ăn lên bàn cho bạn. Dù bạn không cần phải có một một khoản thu nhập cao ngất ngưởng trong giai đoạn đầu, hãy đảm bảo rằng bạn có mức lương đủ sống.
Đủ khả năng tài chính để sống thoải mái và tập trung vào việc kinh doanh là 2 yếu tố song hành. Khi loại bỏ được căng thẳng tài chính cá nhân, bạn sẽ dành hết tâm trí cho công việc. Mức sống kham khổ không đảm bảo sự sáng suốt và tinh thần sáng tạo.
Xây dựng các mục tiêu tài chính
Thay vì chỉ nói, “Tôi muốn xây dựng một công ty trị giá hàng triệu USD”, bạn cần chia nhỏ các mục tiêu tài chính thành các mục tiêu nhỏ có thể tiếp cận và đo lường dễ dàng.
Mục tiêu doanh thu hàng tháng, hàng tuần hoặc thậm chí hàng ngày cho phép bạn đi đúng hướng và thực hiện các điều chỉnh cần thiết để tăng trưởng liên tục. Bạn thậm chí có thể thiết lập các cột mốc theo chặng ngắn, cho bạn nhiều mục tiêu nhỏ hơn để dễ dàng đạt được. Việc đạt được nhiều mục tiêu nhỏ có thể mang lại sự tự tin cần thiết để tiếp tục phát huy sức mạnh trong suốt hành trình kinh doanh gian khổ.