Trang chủ Đời sống

Lý giải ‘mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang’

0
406

Dân gian vẫn quan niệm “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, điều này bắt nguồn từ những câu chuyện về con chó ở thời nhà Lý.

Lý giải ‘mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang’

Dân gian vẫn quan niệm “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, điều này bắt nguồn từ những câu chuyện về con chó ở thời nhà Lý.

Xuất phát từ quan niệm dân gian

GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc trung tâm bảo tồn văn hóa tín ngưỡng cho biết, đó là một quan niệm dân gian, một sáng tạo của nhân dân bắt nguồn từ những câu chuyện về con chó liên quan đến cả một triều đại của Lý Công Uẩn – vua Lý Thái Tổ. Từ chuyện năm Lý Công Uẩn sinh ra năm Giáp Tuất (974), ở quê ông có con chó đẻ con sắc trắng có đốm lông vàng thành hình chữ “Vương” trên lưng điềm báo năm tuất sinh người làm vua và Lý Công Uẩn sau này ngôi rồng…

Đặc biệt, năm Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long đã có một con chó bụng chửa từ núi Ba Tiêu, châu Bắc Giang, bơi qua sông Cái, rồi lên ở trên núi Nùng (vườn Bách Thảo), đẻ được một chó con, đến năm Nhâm Tuất, hai chó đều hóa đá, nơi này sau dựng “Chính điện đài” và lập bên điện ngôi đền thờ chó mẹ và chó con. Đến triều đại sau, đền thờ Cẩu Nhi được dời ra ngoài hoàng thành, dựng trên gò trong hồ Trúc Bạch.

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, nhân dân đã sáng tạo ra câu nói, dựa trên những đúc kết trong quá trình thuần hóa, nuôi dưỡng hai con vật này và sự tích Cẩu Nhi biểu đạt sự thịnh vượng cho một triều đại mới. Hơn nữa, từ rất xa xưa, trong huyền thoại đã có rất nhiều câu chuyện về sự gắn bó giữa con người và con chó như huyền thoại về chó thần sau cuộc đại hồng thủy, người lấy chó  hay truyền thuyết ở Bản Hồ của người Dao là chó ngũ sắc lấy công chúa…

Trong văn hóa người Việt, chó là biểu tượng của lòng trung thành, sự giúp đỡ và canh giữ đất đai, nhà cửa… Chó đá được đặt tại cổng đình chùa, đền miếu, cổng làng, cổng nhà… để cảnh báo kẻ gian, ngăn trừ tà ma…

Khẳng định tập tính của các con vật

Thạc sĩ Vũ Đức Huynh, chuyên gia nghiên cứu, tác giả của 20 cuốn sách về văn hóa Á Đông và tâm linh cho rằng, dân gian dựa vào đặc tính của 2 con vật này mà sáng tạo ra tục ngữ. Chó và mèo nằm trong 12 con giáp, đều là vật nuôi hoang dã, con người bắt và thuần dưỡng để phục vụ đời sống của con người.

Trong quá trình nuôi người ta phát hiện chó rất trung thành với chủ, chủ nhà no, đói đều không bỏ đi, bảo vệ chủ đến nơi đến chốn, thậm chí khi chủ chết, chó còn nhịn đói canh mộ (khuyển mã chí tình)…

Hơn nữa, con chó có một trí nhớ rất tốt, dù đi đâu xa lâu ngày vẫn nhớ nhà (lạc nhà theo chó, lạc ngõ theo trâu)… nên người ta mới dạy dỗ chúng trở thành chó nghiệp vụ, dẫn đường… Đặc biệt, khi chó đến nhà là nhà có kẻ canh nhà, giữ của, biểu hiện của thần giữ của nên sẽ giàu có.

Ngược lại với chó, mèo khi có ăn thì ở lại, không có ăn bỏ đi, sẵn sàng bỏ đi khi thích (mèo già hóa cáo). Chính việc bỏ đi của mèo, thể hiện sự mất của và người ta quan niệm mèo đến là mang điều xui, sự nghèo hèn…

Ảnh hưởng của trường khí

Thạc sĩ Vũ Đức Huynh cho biết, cả người và động vật khi còn sống đều có một vòng trường sinh học – tổ hợp các hạt điện sinh học âm bao quanh cơ thể. Sóng sinh học và dòng điện sinh học lan truyền trong bao la. Con người và vật đều có khả năng phát và thu sóng sinh học trong bao la và từ bao la. Sóng sinh học có thể tương tác với nhau hoặc giao thoa. Nhờ có vòng trường sinh học và sóng điện sinh học phát và thu mà con người và động vật có được cái gọi là linh cảm, giao cảm.

Chó và mèo đều là loài động vật có mối linh cảm lớn, đặc biệt là chó có thể biết trước được điều xấu xảy ra với chủ mình. Có không ít trường hợp, khi chủ đi ra ngoài, chó linh cảm thấy điều xấu đã cắn gấu quần giữ chủ lại, hoặc cứu chủ thoát khỏi hiểm nguy. Hơn nữa, chó còn linh cảm thấy nguồn sóng lạ, sóng xấu để xua đuổi, cảnh báo như “khắc khoải như chó cắn ma”…

Đặc biệt, giữa người và chó cũng có sự xung đột giữa hai nguồn sóng sinh học nên mới có chuyện, có người đi qua chó không cắn nhưng có người chó cắn rất dữ cho dù chủ đã canh giữ… Ngược lại, khả năng linh cảm của mèo lại hay báo những tin xấu như: thấy người chết là mèo tìm đến, vực dậy người chết… Chính những điều này cũng khiến người ta quan niệm khác nhau về điềm lành và dữ ở chó và mèo.

Các chuyên gia cũng cho biết, khoa học “hiện tại” đã có những xác nhận về trường trái đất, nút bức xạ… Qua quan sát người ta nhận thấy, giống mèo rất khoái các khu vực có bức xạ hay trường khí xấu. Ngược lại, con chó lại khoái các khu vực vị trí có bức xạ, trường khí tốt. Bởi vậy, những nơi mèo nằm thường là nơi có trường khí xấu, chó hay nằm thì ngược lại.

Do đó, chó hay mèo đến nhà, nguyên nhân là do sự quyến rũ của trường khí, bức xạ nào đó mới phát sinh trong khu vực mình ở. Trường khí tốt, thì bỗng nhiên có con chó lang thang đi qua thấy hấp dẫn quá xông vào ở. Còn là trường khí xấu thì một con mèo lạc đi ngang thích quá cũng ghé vào trú chân. Đến một ngày tốt hoặc xấu trời nào đó, trường khí – bức xạ đó phát huy tác dụng hoặc tác hại.

Quan điểm của từng dân tộc

GS.TS Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh, tất cả những yếu tố trên vẫn chỉ là sự đúc kết, trải nghiệm của ông bà, tổ tiên, dòng tộc, các thế hệ lịch sử để lại, có cơ sở thực tế nhưng khoa học vẫn chưa giải thích được. Quan niệm này gắn bó với từng dân tộc, từng vùng…

Ở Việt Nam coi chó mang đến điều may mắn, thịnh vượng, mèo mang đến điều dữ, thỉnh thoảng bị coi là ma quỷ nhưng ở Ai Cập, Trung Hoa cổ đại, mèo được coi là con vật báo điều lành. Ở Ấn Độ, người ta tìm thấy tượng những con mèo khổ hạnh biểu thị cho phúc lạc của thế giới động vật. Đối với dân da đỏ Pawnees ở Bắc Mỹ, mèo rừng là biểu tượng của sự khôn khéo, tài tình, là kẻ quan sát thông minh, bình tĩnh và bao giờ cũng đạt được mong muốn, cho nên mèo được coi là con vật linh thiêng, chỉ được giết nó vì mục đích tôn giáo và theo nghi thức nhất định.

Vì vậy, chúng ta không phủ nhận những kinh nghiệm đúc kết từ bao đời, nhưng vin vào đó để lý giải cho các hành vi chủ quan của con người hay mong chờ một kết cục mơ hồ mà xa rời thực tại thì thật là sai lầm hết mức. Cả chó và mèo đã, đang và vẫn sẽ làm tốt chức năng là bạn tốt của con người. Nhưng động vật vẫn chỉ là động vật. Với con người, chỉ có lao động chân chính mới tạo ra của cải.

“Trên thực tế, chó – mèo là một cặp biểu tượng đối ngẫu bên cạnh vai trò là những loài vật thân thiết nhất với con người như bò, ngựa, lợn, gà, trâu, dê. Trong 12 con giáp, mèo đứng thứ tư và chó đứng thứ 11. Cặp biểu tượng đối ngẫu này luôn đi cùng với nhau trong lời nói, trong truyện kể dân gian thậm chí là trong các câu cửa miệng, chẳng hạn “ghét nhau như chó với mèo”.

Văn hóa dân gian của người Việt sử dụng cặp biểu tượng này để thể hiện đặc tính đối lập trong sự gắn kết của hai cá thể, hai cá tính, hoặc hai cá nhân luôn được đặt cạnh nhau nhưng luôn có xung đột nội tại. Tương tự như các cặp nước – lửa, âm – dương, sang – hèn, giàu – nghèo, thậm chí vợ – chồng cũng được xem như một cặp biểu tượng đối ngẫu. Tuy nhiên, đây là một cặp đôi hết sức đặc biệt nên cần được đặt riêng trong nghiên cứu văn hóa dân gian của người Việt”.

TS Đinh Hồng Hải (chuyên gia nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Văn hóa)