Cảm và cúm: Phân biệt các triệu chứng như thế nào?

0
1758

Chỉ một vài ngày sau khi bị cảm, cơ thể chúng ta thường hồi phục một cách nhanh chóng. Nhưng với bệnh cúm, sự mệt mỏi có thể kéo dài tới 3 tuần.

Cảm và cúm là 2 bệnh rất dễ gây nhầm lẫn vì có những triệu chứng khá giống nhau. Trong khi cảm thường không đáng lo ngại, cúm lại có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, như viêm phổi và thậm chí là tử vong.

Vậy làm thế nào để phân biệt được cảm và cúm?

Triệu chứng đến dồn dập ở cúm

Nếu thấy các triệu chứng như đau họng, sốt, đau đầu, đau cơ, xung huyết, ho xuất hiện đột ngột, dồn dập và trở nặng nhanh chóng, khả năng cao là bạn đã bị nhiễm vi-rút cúm. Thông thường, triệu chứng cúm sẽ thuyên giảm trong 2-5 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể kéo dài hơn 1 tuần. Trong khi đó, người bị cảm chỉ có các triệu chứng nhẹ như hắt hơi, sổ mũi. Bệnh cúm thường sẽ tự khỏi. Thời gian mắc bệnh khoảng 1 tuần.

Thông thường, triệu chứng cúm sẽ thuyên giảm trong 2-5 ngày

Sốt: Dấu hiệu đặc trưng của cúm

Chỉ có rất ít người bị sốt nhẹ khi bị cảm. Trong khi đó, đa số người mắc cúm đều có biểu hiện sốt, thậm chí là sốt cao 38-39 độ C. Trẻ em nếu bị cúm thì thường sốt cao. Trẻ nhỏ cũng dễ bị sốt khi bị cảm lạnh thông thường.

Mệt mỏi kéo dài hàng tuần: Cúm

Chỉ một vài ngày sau khi bị cảm, cơ thể chúng ta thường hồi phục một cách nhanh chóng. Nhưng với bệnh cúm, sự mệt mỏi, uể oải có thể kéo dài tới 3 tuần. Đặc biệt, đối với những người có sức đề kháng yếu hoặc bị bệnh mãn tính, thời gian hồi phục của cơ thể sẽ khá lâu.

Bệnh cúm, sự mệt mỏi, uể oải có thể kéo dài tới 3 tuần

Đau đầu

Đau đầu đều là triệu chứng gặp phải khi bị cảm và cúm. Tuy nhiên, khi bị nhiễm vi-rút cúm, triệu chứng đau đầu thường nặng hơn so với cảm thông thường.

Ho ở cảm và cúm

Cảm và cúm đều là 2 bệnh liên quan đến đường hô hấp, do đó, khi bị cảm hoặc cúm, bệnh nhân đều có biểu hiện ho. Nếu chỉ là những cơn ho nhẹ, bạn có thể không cần quá lo lắng. Thế nhưng, nếu ho liên tục, kéo dài kèm theo sốt cao trên 39 độ C, rùng mình, khó thở, thở gấp, đau ngực khi ho hoặc ho ra đờm đặc, lẫn máu, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám. Bởi đó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm phổi – biến chứng của cúm.

Đau tai

Khi bị cảm hoặc cúm, ống eustachian nối cổ họng và tai giữa bị kích thích, do đó gây ra hiện tượng đau tai. Triệu chứng này thường sẽ tự khỏi sau vài ngày. Nếu thấy tai có biểu hiện bất thường như đau kéo dài, bạn nên đi khám để đề phòng trường hợp tai bị nhiễm trùng.

Hiện tượng đau tai có thể xuất hiện cả những khi cảm hoặc cúm

Đau họng: Triệu chứng bắt đầu của cảm

Đau họng là triệu chứng sớm của bệnh cảm và thường kéo dài chỉ 1-2 ngày. Nếu xuất hiện hiện tượng đau họng kèm theo mệt mỏi và các triệu chứng khác cùng một lúc, có thể bạn đã nhiễm vi-rút cúm.

Sổ mũi

Hắt hơi, sổ mũi là triệu chứng phổ biến của cảm. Nhưng cũng giống như đau họng, nếu hắt hơi, sổ mũi kèm theo sốt, đau mỏi cơ…, hãy nghĩ ngay đến khả năng bị cúm. Cả cảm và cúm đều có thể dẫn đến viêm xoang với các biểu hiện đau vùng xương má, vùng trán hoặc sống mũi.

Xét nghiệm cúm

Xét nghiệm là cách tốt nhất để biết bạn có bị cúm hay không. Thời gian xét nghiệm chỉ khoảng 30 phút.

Cúm: Sử dụng thuốc kháng vi-rút càng sớm càng tốt

Thuốc kháng vi-rút có thể rút ngắn thời gian bị cúm xuống còn 1-2 ngày nếu bệnh nhân uống thuốc trong vòng 2 ngày khi bắt đầu có biểu hiện cúm. Một số thuốc không cần kê đơn còn giúp giảm các triệu chứng như ho và tụ máu. Nên đọc kĩ tên thuốc và hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Cảm: Có thể dùng thuốc không cần đơn để giảm triệu chứng

Một số loại thuốc như thuốc chống nghẹt mũi, thuốc ho, thuốc kháng histamin có thể giúp giảm các triệu chứng xung huyết, ho và sổ mũi. Acetaminophen, ibuprofen và naproxen giúp giảm đau cơ, đau đầu. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc cần đọc kĩ thành phần thuốc và hướng dẫn sử dụng. Không sử dụng aspirin cho trẻ dưới 18 tuổi vì có thể gây ra hội chứng Reye.

Cha mẹ cần chú ý những triệu chứng cảm, cúm ở trẻ

Phòng ngừa cúm: Tiêm phòng

Vắc-xin cúm được bào chế từ vi-rút cúm đã được làm yếu và không thể gây bệnh cúm. Sau khi tiêm vắc-xin, cơ thể sẽ sản xuất ra kháng thể chống lại vi-rút cúm.

Trẻ trên 6 tháng tuổi, phụ nữ trong độ tuổi mang thai, người lớn trên 50 tuổi và những người có sức đề kháng yếu nên tiêm vắc-xin phòng cúm. Ngoài ra, vắc-xin cúm dạng xịt có thể được sử dụng cho trẻ khỏe mạnh (trên 2 tuổi) và người lớn dưới 50 tuổi, không mang thai.

Phòng ngừa cúm: Rửa tay sạch sẽ

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước ấm là phương pháp đơn giản nhưng cực hữu hiệu để phòng ngừa sự lây lan của vi-rút cúm. Đặc biệt nên rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi, sổ mũi. Nếu không kịp lấy khăn giấy, khăn tay, không nên dùng lòng bàn tay mà hãy dùng mặt trong cánh tay để che miệng, mũi khi ho, hắt hơi.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước ấm là phương pháp đơn giản để phòng ngừa lây lan cúm

Cúm H1N1 có còn là mối đe dọa?

Đại dịch cúm H1N1 đã chính thức kết thúc năm 2010. Các vắc-xin cúm hiện nay đều có thể phòng ngừa các loại vi-rút cúm mùa và vi-rút cúm H1N1. Cúm H1N1 có các triệu chứng giống cúm thông thường. Tuy nhiên, bệnh nhân mắc cúm H1N1 có thể gặp các vấn đề về dạ dày như nôn mửa, tiêu chảy.

0 BÌNH LUẬN