Theo phong thủy, khi trang trí nhà ngày Tết Nguyên đán cần lưu ý bày biện mọi vật dụng, thức đồ, hoa quả… theo thuyết Âm Dương, Ngũ Hành. Lý thuyết này áp dụng khi trang trí từ bàn thờ cho đến phòng khách, phòng bếp… của gia đình.
Lưu ý khi trang trí nhà ngày Tết theo phong thủy
Khi sửa soạn, dọn dẹp và trang trí nhà ngày Tết, muốn hợp phong thủy và có thẩm mỹ thì cần lưu ý nhiều điều về cách lựa chọn vật dụng (công dụng, màu sắc…) cũng như cách sắp xếp những đồ vật này. Lưu ý chung áp dụng với việc trang trí của tất cả các không gian khác nhau trong ngày Tết (phòng thờ, phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ…) là nên dựa theo thuyết Âm Dương, Ngũ Hành, nên lựa chọn những màu sắc sặc sỡ, bắt mắt và có tính nóng, tính dương (như màu đỏ, hồng, vàng, cam…).
1. Trang hoàng phòng khách
Phòng khách chính là không gian cần được chú trọng nhất trong ngày Tết Nguyên đán bởi đây là nơi gia đình sẽ sum vầy, đón tiếp khách trong suốt nhiều ngày. Theo phong thủy, phòng khách cũng chính là nơi tập trung vượng khí của gia đình.
Điểm đầu tiên cần lưu ý khi trang trí phòng khách là ghế trong phòng không nên bố trí quay lưng ra hướng cửa chính, nên đặt ngược lại, tức hướng ghế ra phía cửa để khách tới nhà cảm nhận được sự chào đón của gia chủ, nhất là trong những ngày vui, lễ tết.
Phòng khách những ngày Tết nên tạo cảm giác ấm cúng, sum vầy mà vẫn rộng thoáng. Có thể “làm mềm” các chi tiết, góc nhọn của bàn ghế, tủ bằng cách trải khăn hoặc bày chậu cảnh để trang trí. Bàn ghế nên chọn loại có màu sắc tươi sáng để mang lại cảm giác tươi mới trong ngày đầu năm, cần tránh kê quá gần nhau để luồng khí có thể lưu thông dễ dàng.
Ngoài ra, có thể áp dụng thêm một số cách thức trang trí khác cho phòng khách gia đình bừng sức sống trong ngày đầu xuân như: sơn mới lại tường phòng khách, đổi màu gối tựa, rèm cửa, treo đèn lồng, câu đối đỏ, trưng bình hoa, chậu cảnh lớn (quất hoặc đào), lựa chọn bộ tách chén uống nước tùy theo phong cách của cả gian phòng (phòng khách kiểu cổ điển thì dùng ấm trà gốm sứ, phòng khách theo phong cách hiện đại, sang trọng thì nên chọn những bộ ly tách bằng thủy tinh hoặc pha lê)…
2. Trang trí phòng thờ, bàn thờ
Phòng thờ, bàn thờ là nơi thiêng liêng, tâm linh, vốn được chú trọng trong cả năm, đến ngày tết càng đặc biệt phải lưu ý khi bày biện, trang trí. Theo quan niệm truyền thống, những vật thiêng như bài vị, di ảnh, gia phả… vốn thuộc thế giới Âm chứ không thuộc thế giới hiện tại (Dương) nên cần phủ kín những vật đó. Tuy nhiên, tấm vải phủ phải là màu đỏ chứ không được dùng vải màu trắng hay màu đen.
Bàn thờ nói riêng và phòng thờ nói chung phải được dọn dẹp sạch sẽ trước đêm 30. Việc lau chùi ban thờ, đánh bóng lại lư hương đồng cho mới cũng được coi là việc làm tăng tính dương. Thời khắc giao thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, gia chủ sẽ đứng trước ban thờ, khấn lạy, báo cáo và cầu xin sự chở che, phù hộ từ tổ tiên.
Nhiều gia đình có thói quen để trên bàn thờ một đỉnh hương trầm ngày Tết, tạo không khí ấm cúng, sum vầy. Đỉnh hương bằng đồng thường được trạm hình lân tượng trưng cho sự thông minh, sức mạnh, để kiểm soát tâm hồn người hành lễ, hổ phù mang ý nghĩa cầu no đủ… Nhiều người lại thường dùng đèn dầu thơm, nến hình hoa sen với những mùi hương khác nhau.
Trên bàn thờ gia tiên ngày Tết chắc chắn phải có sự xuất hiện của các loại bánh đặc trưng là bánh chưng hoặc bánh tét. Hai loại bánh này cũng là biểu hiện của triết lý Âm Dương, Ngũ Hành bởi nguyên liệu làm bánh gồm cả tính nóng (nếp, tiêu…) và tính hàn (mỡ, đậu xanh…) với màu sắc khác nhau: gạo nếp màu trắng, đỗ xanh màu vàng, thịt lợn màu hồng, tiêu màu đen…
Bên cạnh đó, một thức trang trí không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết nhất định phải kể đến là mâm ngũ quả, bao gồm 5 loại trái cây ngon nhất, màu sắc bắt mắt, là tinh túy của bốn phương.
Ngoài ra, bạn cũng nên để 1-2 lọ hoa trang trí bàn thờ cho có không khí xuân. Bạn có thể chọn hoa cúc, hoa dơn, hoa hồng, ly, thậm chí cả những cành đào nho nhỏ…
3. Chọn mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả có nguồn gốc xuất phát từ triết lý Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) có sự tương sinh và tương khắc. Khi ngũ hành tương sinh và vận chuyển thông suốt thì mọi thứ sẽ hanh thông, phát triển, còn ngũ hành tương khắc dạy con người biết chấp nhận khó khăn, khác biệt. Vì vậy, ý nghĩa của mâm ngũ quả là ngày Tết không phải tất cả mọi sự đều hạnh phúc, trọn vẹn, song mọi người đều sẽ hướng đến yếu tố hạnh phúc nhiều hơn.
Tùy vùng miền mà mâm ngũ quả ngày Tết sẽ bày các thức quả khác nhau. Mâm ngũ quả miền Bắc thường không thể thiếu nải chuối xanh và quả bưởi (hoặc phật thủ), nải chuối được hình dung như bàn tay Phật nâng đỡ mọi thứ. Ngoài ra sẽ có thêm các quả khác đang vào mùa với màu sắc bắt mắt như: le-ki-ma, cam, quýt, quất, táo, thanh long…; một số loại quả có màu trắng, đen như măng cụt, hồng xiêm, lê, nho… chỉ nên điểm thêm chấm phá khi trang trí.
Trong khi đó, người miền Nam lại thường cúng các loại trái có cách phát âm đọc chệch tên thành: cầu (mãng cầu), xài (xoài), vừa (dừa), đủ (đu đủ), no (nho) hoặc ‘cầu xài vừa đủ sung’ (sung). Cũng dựa theo cách phát âm mà người Nam không thích các loại quả: chuối, cam, quýt…
4. Chơi cây cảnh và hoa
Cũng tùy theo cùng miền mà các gia đình trưng những loại cây cảnh đặc trưng khác nhau. Người dân miền Bắc thường chọn trưng cây hoa đào hoặc quất, những năm gần đây nhiều nhà còn “chơi” các loại cây như cam, quýt hoặc bưởi. Khí hậu ngày xuân miền Bắc se lạnh, có mưa xuân lất phất là điều kiện lý tưởng cho sự sinh trưởng, nở hoa của cây đào nên loại hoa này đã trở thành “tín hiệu” báo xuân của cư dân Bắc Bộ.
Còn khí hậu miền Trung và miền Nam ấm áp, không có mưa xuân, phù hợp dung dưỡng loài mai vàng khoe sắc đúng dịp Tết Nguyên đán nên đây cũng trở thành loại cây cảnh biểu tượng cho ngày Tết của các tỉnh miền Trung và Nam Bộ.
Mùa xuân là mùa muôn loài sinh sôi, là mùa của chồi non xanh biếc đâm chồi nảy lộc. Vì vậy, ngày xuân đầu năm trong nhà nhất định phải có bày biện hoa hoặc cây cảnh ở những vị trí trọng yếu như bàn thờ, phòng khách hoặc cả trong nhà lẫn ngoài sân. Khi cắm hoa ngày Tết cần lưu ý, nên cắm nhiều loại hoa với nhiều màu sắc khác nhau, hạn chế cắm hoa màu trắng vì màu này có tính âm; nên cắm cả các loại bông to nhỏ khác nhau để cân bằng âm dương; cắm hoa theo ba tầng (thấp, vừa và cao) nhằm thể hiện theo nguyên lý Tam tài.
5. Bày biện nhà bếp
Nếu như phòng khách là khu vực ngoại giao, là nơi để gia chủ tiếp khách thì nhà bếp có thể nói chính là nội khu, là nơi giữ lửa của tổ ấm gia đình. Ngoài nguyên tắc chung về việc lau chùi vệ sinh bếp, bàn ghế, tủ kệ, trong ngày tết cần ưu tiên sử dụng những bộ chén bát, khăn phủ bàn mới…
Vật dụng khu bếp nên chọn những đồ có màu sắc tươi mới, sáng sủa như đỏ, hồng, vàng, xanh, cam. Có thể “thay áo” cho phòng bếp bằng cách sơn lại tường bếp bằng màu trắng, đem lại cảm giác sạch sẽ, sáng sủa mà tinh tế. Khu bếp nhìn sẽ ấm cúng, hài hòa và tránh nhàm chán khi phối với màu ấm của sàn gỗ, màu sắc tươi tắn của các loại hoa và quả.
6. Sắp xếp phòng ngủ
Phòng ngủ là nơi nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, cân bằng cuộc sống, là nơi mọi người đều muốn trở về sau một ngày dài hoạt động. Vì vậy, điều cần chú trọng nhất là tạo được cảm giác thư thái, dễ chịu. Theo phong thủy, khi trang trí phòng ngủ cũng chỉ cần lưu ý tăng cảm giác ấm áp vào những ngày Tết đoàn viên.
Các màu sắc được khuyến khích sử dụng là tông màu nóng, ấm như hồng, vàng, cam, đỏ, trong đó màu cam được khuyên dùng nhiều nhất vì nó mang lại cảm giác nhẹ nhàng, dịu mắt, giúp gia chủ dễ đi vào giấc ngủ ngon. Có thể dùng đèn ngủ, giấy dán tường… để tăng thêm cảm giác ấm áp cho căn phòng ngủ.
7. Chuẩn bị phòng trẻ em
Tương tự như phòng ngủ của người lớn, phòng ngủ dành cho trẻ em cũng cần lưu ý tạo không gian thoáng đãng, có thể dễ dàng tăng cường hoặc giảm bớt ánh sáng cho căn phòng. Đặc biệt, thời điểm cận Tết, thời tiết miền Bắc thường lạnh, lại nồm, ẩm, mưa phùn kéo dài nên trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, cảm sốt. Bố mẹ có thể cân nhắc đến chuyện thắp đèn xông tinh dầu xả chanh hoặc quế để vừa trang trí, tạo mùi hương dễ chịu, vừa phòng bệnh cho con nhỏ.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể tạo dựng không gian sinh động cho các bé bằng cách trang trí bằng các hình dán tường (hình ảnh động vật, hoa lá…) sặc sỡ sắc màu, kích thích trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của trẻ.