Trang chủ Tài Chính

3 lí do tài chính người trẻ nên và không nên học đại học

0
392

Quyết định học đại học chính là một trong những vấn đề tài chính và đầu tư đầu tiên của đời người.

Theo Harvard Business Revies (HBR), mức tăng trưởng việc làm cao chưa từng thấy và tỉ lệ thất nghiệp thấp trên toàn cầu không khiến thị trường lao động bớt cạnh tranh, đặc biệt là ở những tập đoàn lớn và các quốc gia phát triển.

Những ông lớn công nghệ như Google và Microsoft nhận được khoảng 2 triệu đơn ứng tuyển mỗi năm và các ngân hàng như Goldman Sachs thu hút hàng nghìn sinh viên mới tốt nghiệp.

Dù ngày càng nhiều nhà tuyển dụng và lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của kĩ năng mềm như EQ, khả năng thích nghi và học hỏi, top công việc lương cao nhất vẫn đòi hỏi bằng tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học, vượt quá mức cung hiện tại. Ví dụ, thị trường Mỹ hiện có khoảng 500.000 việc làm về IT nhưng chỉ có 50.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp mỗi năm.

Đồng thời, số lượng sinh viên học đại học tiếp tục tăng lên, làm giảm đáng kể giá trị bằng đại học. Ở Mỹ, 1/3 người trưởng thành sở hữu bằng cử nhân, so với 4,6% trong những năm 1940. Ở phạm vi toàn cầu, UNESCO báo cáo số lượng sinh viên đại học tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua.

Trước những con số này, thật dễ hiểu tại sao ngày càng nhiều lực lượng lao động đang bắt đầu tìm tới bậc cao học. Số sinh viên Mỹ tốt nghiệp đã tăng gấp 3 lần kể từ những năm 1970 và theo một số ước tính, 27% nhà tuyển dụng hiện nay đang yêu cầu bằng thạc sĩ cho những vị trí trước đây chỉ cần bằng đại học.

Vậy bạn nên cân nhắc tới những yếu tố nào khi đăng kí học đại học? Làm thế nào để xác định xem thời gian và đặc biệt là tiền bạc dành cho 4-5 năm đại học thực sự có ích?

Học đại học có thể đảm bảo mức lương cao hơn cho các bạn trẻ. Ảnh: HBR

Những lý do nên học đại học

 1. Tăng mức lương khởi điểm

Theo nhiều kết quả khảo sát, những người có bằng tốt nghiệp đại học thường có mức lương cao hơn đáng kể so với nhóm còn lại. Dù mức tăng thu nhập trung bình là 25%, một tấm bằng MBA hàng đầu có thể nâng tiền lương của bạn lên tới 60-150% (trong khi đó, thạc sĩ ngành Dịch vụ Xã hội hay Bảo tàng Khoa học chỉ có thể thêm cho bạn 10-15%).

2. Xây dựng nền tảng thăng tiến trong sự nghiệp

AI và tự động hóa đang thay thế nhiều ngành nghề và ngày càng nhiều người muốn bước chân vào lĩnh vực này. Hầu hết chúng ta sẽ phải thay đổi như vậy dưới tác động của kinh tế và công nghệ.

Trong bối cảnh đó, trường đại học có thể không phải là một lựa chọn tồi. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là chọn ngành học hợp lí. Để trở thành ứng viên nặng kí cho những công việc đang hot, bạn không thể tốn vài năm trong trường đại học.

Một chiến lược tốt hơn là nghiên cứu và cố gắng dự đoán những xu hướng mới hơn trong tương lai. Các trường đại học sẽ giúp bạn có được các kĩ năng nền tảng hoặc chuyên môn do nhà tuyển dụng yêu cầu.

Nhiều chương trình sau đại học đang bắt đầu dạy kĩ năng mềm ngoài kiến thức và chuẩn bị cho sinh viên đối phó với một thị trường lao động đầy biến động thay vì một công việc cụ thể.

3.Theo đuổi đam mê

Hiện tượng làm trái ngành trái nghề do hướng nghiệp sai lầm hay thiếu nhận thức về bản thân ở độ tuổi 18-20 không phải là điều hiếm gặp.

Điều này dẫn đến mức độ tương tác, hiệu suất và năng suất giảm trong khi mức độ kiệt sức, căng thẳng và cô lập bản thân tăng lên. Theo đuổi đam mê, do đó, không phải là một tiêu chí tồi để quyết định học đại học.

Rốt cuộc, một người sẽ làm việc tốt hơn và học hỏi nhiều hơn khi nghiên cứu những gì phù hợp với giá trị của họ. Nếu bạn có thể nuôi dưỡng sự tò mò và sở thích bằng cách theo đuổi con đường học vấn, chuyên môn xuất sắc sẽ khiến bạn khác biệt với các ứng viên khác và tăng cơ hội có được công việc trong mơ.

Ngay cả robot và AI cũng đang được lập trình để mô phỏng khía cạnh tự do này của con người trong việc tự chủ và định hướng.

Và vì sao không nên đến trường đại học?

1. Bạn có thể học miễn phí (hoặc với chi phí thấp hơn nhiều)

Rất nhiều nội dung như sách, video, podcast và nhiều hơn nữa hiện luôn có sẵn, rộng rãi và miễn phí cho tất cả mọi người. Phần lớn nội dung miễn phí này (hoặc thực tế là) đang được các trường đại học giảng dạy.

Do đó, nếu bạn muốn có bằng cấp bậc thầy đơn giản để có thêm kiến thức, điều quan trọng là phải nhận ra rằng có thể tạo lại trải nghiệm học tập mà không phải trả hàng ngàn USD cho một khóa học.

Hãy xem xét tất cả những điều bạn có thể học chỉ bằng cách xem YouTube (với tinh thần kỉ luật và tập trung cao): lập trình, thiết kế, kinh doanh, chỉnh sửa video, v.v. Các nền tảng khác như Udemy và Coursera có thể giúp bạn cải thiện kĩ năng với chi phí phải chăng hơn nhiều so với 4 năm đại học.

Về cơ bản, nếu mục tiêu của bạn là học tập và rèn luyện một kĩ năng mới thay vì bằng cấp, không có lí do nào cho thấy bạn nên tới trường đại học.

2. Bạn có thể lãng phí thời gian

Trong lịch sử, nhân loại tiến hóa chủ yếu bằng thực hành và có một sự khác biệt lớn giữa truyền đạt kinh nghiệm lý thuyết và trải nghiệm thực tế.

Hầu hết các công ty trong danh sách Fortune 500 đều phải đầu tư đáng kể để đào tạo và nâng cao chuyên môn cho nhân viên mới, bất kể đầu vào của họ là gì. Đồng thời, nhiều nhà tuyển dụng cũng phàn nàn rằng ngay cả những sinh viên tốt nghiệp với thành tích tốt nhất vẫn cần học lại các kĩ năng quan trọng như lãnh đạo và quản lý bản thân khi bắt đầu công việc.

Tuy nhiên, kì lạ là thực tế này cũng không ngăn cản được các nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên cung cấp bằng đại học, bao gồm cả bảng điểm liên quan.

3. Nợ sinh viên không hề dễ trả

Đối với một số chương trình học, lợi nhuận thu về là rất rõ ràng nhưng có nhiều thay đổi. Khó có thể tìm được một chương trình đảm bảo mức thu nhập ưng ý cho bạn trong thời gian ngắn, đặc biệt nếu bạn muốn học một bộ môn yêu thích.

Ví dụ, bằng MBA đến nay vẫn là lựa chọn phổ biến nhất tại Mỹ và tiềm năng kiếm tiền chắc chắn cao hơn bằng cử nhân về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nếu niềm đam mê thực sự của bạn là biến đổi khí hậu, bạn có thể làm xuất sắc và xây dựng sự nghiệp dài hạn có lợi hơn dù phải vật lộn về tài chính trong ngắn hạn.

Do đó, nếu bạn không cảm thấy đủ gắn bó với một chuyên ngành sẽ khiến bạn phải gánh nợ nần trong vài năm thì không nên đánh đổi quá nhiều cho tấm bằng đó.

Vấn đề hiện nay nằm ở 3 xu hướng:

– Nhà tuyển dụng không chú ý tới các yếu tố khác ngoài bằng cấp chính quy

– Các trường đại học không chú trọng giảng dạy kĩ năng mềm

– Sinh viên học tập máy móc, không được kích thích tính sáng tạo hay tò mò dù đó mới là yếu tố phát triển sự nghiệp lâu dài, ngay cả với những người làm trái ngành.

Dù vậy, xã hội chuộng bằng cấp đang tạo ra nhiều thế hệ sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng và kiến thức thực tế bằng 0 trong khi những người thực sự có kinh nghiệm thực tế nhưng không bằng cấp lại gặp phải khó khăn khi thăng tiến.

Hiếm người nhìn nhận những gì thực sự giá trị là kết quả của bằng cấp chứ không phải bằng cấp. Nếu xu hướng yêu cầu bằng cấp chính quy tiếp tục duy trì, chỉ những người có chứng chỉ sau đại học mới đạt được lợi thế cạnh tranh thực sự.

Giá trị bằng thạc sĩ hiện nay tương đương với giá trị của bằng đại học 30 năm trước và nếu 30 năm sau, phần lớn lực lượng lao động có được bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ, các nhà tuyển dụng có thể buộc phải nhìn vào những yếu tố nằm ngoài bằng cấp.

Như bất kì quyết định lớn nào trong đời, bước chân vào trường đại học đòi hỏi rất nhiều can đảm và sự mạo hiểm của người trẻ. Nhà tâm lí học từng đoạt giải Nobel, Daniel Kahneman, từng nói: “Chỉ chấp nhận rủi ro khi bạn đã biết được khả năng thắng cuộc”.