Trang chủ Việc Làm

3 kiểu ứng viên thường gặp khi đi xin việc và kinh nghiệm mà sinh viên nào cũng nên đọc

0
3281

Với kinh nghiệm ngồi ghế tuyển dụng nhân sự nhiều năm liền, vị giám đốc trẻ đã đúc kết được ba kiểu ứng viên thường gặp và đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích dành cho những ai đang có ý định đi phỏng vấn xin việc.

Câu chuyện thú vị về ba kiểu ứng viên thường gặp

Diễn giả Đặng Tuấn Tiến hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh là giảng viên kiêm Phó giám đốc điều hành Trung tâm huấn luyện kỹ năng Thế hệ trẻ – trực thuộc Liên hiệp khoa học doanh nhân Việt Nam:

Ngoài ra, Đặng Tuấn Tiến còn là người đồng sáng lập – Giám đốc điều hành tại một Học viện kỹ năng, chuyên tổ chức đào tạo – trực tiếp chia sẻ kỹ năng mềm tại hơn 40 trường ĐH – CĐ – Trung cấp trên địa bàn Tp. HCM cho hơn 30.000 lượt học viên từ năm 2011 đến nay.

Thường xuyên tiếp xúc với các bạn sinh viên, cộng với vốn kiến thức và kinh nghiệm của một nhà tuyển dụng trong nhiều năm liền, giám đốc trẻ đã có bài chia sẻ hữu ích dành cho các bạn sinh viên, đặc biệt là những ai đang có ý định đi phỏng vấn xin việc.

Nội dung bài chia sẻ của diễn giả Đặng Tuấn Tiến:

Ngồi ghế phỏng vấn nhiều năm, cũng tiếp xúc nhiều bạn ứng viên, tôi tạm phân ứng viên ra 3 dạng:

Dạng thứ nhất: Biết người biết ta – Trăm trận trăm thắng

Dạng này thường ít, nhưng chất lượng, ngoài ăn nói lịch sự, tác phong chuyên nghiệp, còn hết sức khiêm tốn dễ thương.

Đi phỏng vấn vào công ty, khi được hỏi về lý do chọn công ty, bạn này sẽ kể một mạch về tiểu sử hình thành, phát triển, những thành tích mà công ty đã đạt được bao nhiêu năm qua, rồi chốt lại là từ những lý do trên, em thấy công ty anh là một nơi phù hợp để em làm việc và cống hiến…

Nói chung nghe đến đâu mát ruột mát gan đến đó.

“Tôi ngồi ghế phỏng vấn mà cũng khoái hết sức! Vì rõ ràng ứng viên có tìm hiểu về công ty, có chuẩn bị. Biết họ cố ý khen công ty mình để lấy lòng, cũng không trách được, tại họ có dẫn chứng rõ ràng, cụ thể, nói đúng quá sao bắt bẻ được?”

Thế là gật gù hỏi em muốn lương bao nhiêu, bạn ấy bảo: “Em tự thấy mình còn hạn chế nhiều mặt, anh cứ cho em hai tháng thử thách, làm được thì anh em mình ngồi lại đàm phán lương lậu sau. Chứ đi phỏng vấn, em còn chưa biết anh có nhận em không, đưa lương ra bàn giờ chưa phải lúc”.

Xong còn thêm câu: “Mà em nghĩ, người có kinh nghiệm về nhân sự như anh, chắc chắn sẽ không để nhân viên mình thiệt thòi nếu họ làm tốt, đúng không anh?” – Tôi chỉ biết gật đầu cái rụp vì nói quá đúng chứ gì nữa.

Bạn ấy gài mình mà gài khéo, trả lương thấp hóa ra mình không có kinh nghiệm dụng người chứ còn gì, mà thôi, gài dễ thương nên mình cũng cho qua.

Sau 2 tháng làm việc, thấy bạn ấy được việc thật, thế là nhận, mà lương còn cao hơn nhân viên khác.

Dạng thứ hai: Biết người mà không biết ta

Dạng này thì nhiều, vào công ty nào mà thấy văn phòng hoành tráng quá, bề thế quá, là “hồn xiêu phách lạc”, “tim đập chân run” ngay. Bước nào mắt lấm la lấm lét, bảo vệ liếc một cái là ôi thôi muốn són hết ra quần.

Đến lúc vào phỏng vấn, cũng mang tâm thế mình yếu hơn người ta, mình đi “xin việc”, mà đã “xin” thì phải khép nép người ta mới thương. Nên khi tôi hỏi em muốn lương bao nhiêu, bạn ấy đáp nhỏ nhẹ: “Dạ, em mới ra trường, SAO CŨNG ĐƯỢC anh ơi”.

Chà, thế ra em sống không cần lương, anh trả em 3 triệu/tháng em làm không, thì lúc này mới đáp dạ ít quá em không làm được.

Vậy sao lúc nãy em nói “sao cũng được” mà giờ chê ít, thế là im. Khơi khơi một hồi mới “cạy” ra được mức lươngmong muốn, mà lúc nói ra được thì mình cũng hết muốn tuyển rồi.

Còn có bạn, cũng vì cái từ “Sao cũng được” nên vào làm được đâu 1-2 tháng thì thập thò ngay cửa phòng của sếpxin nghỉ, lý do vì đâu ai cũng biết. Xong lại trách công ty gì nhìn lớn mà trả lương “bèo như con cá kèo”. Tôi vô tình mang tiếng ác.

(Ảnh minh họa)

Dạng thứ ba: Biết ta mà không biết người

Dạng này thì cũng nhiều, vào văn phòng mà như đi chơi, nói chung tinh thần vững mạnh hơn dạng trên. Tự tin đầy mình, oang oang như chốn không người, nhìn bảo vệ, lễ tân bằng nửa con mắt.

Vào phỏng vấn, đưa ra một chồng bằng cấp, giấy chứng nhận kỹ năng mềm, bảng điểm các kiểu. Xong tôi hỏi: “Em tìm hiểu gì về công ty anh chưa?” thì gãi đầu gãi tai bảo:”Em gấp quá nên chỉ coi sơ sơ!”

Tôi nói:”Anh thấy hồ sơ em ghi bằng tiếng Anh, chắc trình cũng khá, em giới thiệu cũng “sơ sơ” về bản thân và cho anh biết vì sao em chọn công việc này” thì bấy giờ bảo: “Thôi em nói tiếng Việt nghe anh, tiếng Anh em nói chưa thạo, em viết được thôi”!?

Rồi yêu cầu lương thấp nhất là 8 triệu, chứ thấp hơn chắc không làm được. Những bạn này thì mình đành chào luôn!”

Hãy mạnh dạn thực hiện ước mơ bằng chính những gì bạn đang có!

Hiện bài viết của vị giám đốc trẻ đang nhận được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là đối với những ai đang có ý định đi phỏng vấn xin việc thì đọc được bài chia sẻ này trước khi “lên đường” cũng là một điều may mắn.

“Những người giỏi viết ra đọc đến đâu là thấy sáng dạ đến đó. Thích thật”; hay “Nghệ thuật giao tiếp này rất đúng và áp dụng được cho đa số mọi người, phần lớn hoàn cảnh. Ăn nói dễ nghe luôn là điểm cộng lớn.

Nhưng mà nếu bạn thật thà , không nói ngọt ngào được cũng không sao, chỉ cần không quá tự cao, không quá tự ti thì sẽ có người thích bạn. Mà người kiểu này chất lượng hơn nhiều”…là những bình luận tâm đắc của dân  mạng sau khi đọc bài chia sẻ.

Nhân đây, một số kinh nghiệm đi phỏng vấn cho kết quả khả quan dành cho các ứng viên cũng được đưa ra:

1. Giới thiệu bản thân: Họ tên + tuổi + học vấn + kinh nghiệm làm việc. Ba điểm đầu tiên nên trình bày ngắn gọn.

Về kinh nghiệm làm việc có thể dài hơn nhưng đúng trọng tâm, thực tế. Đừng khoác loác, tự tin thái quá!

2. Lý do nghỉ việc: Tùy tình huống nhưng nhất định không được nói xấu công ty cũ.

3. Lý do vào công ty: Tìm hiểu về công ty đang ứng tuyển, nếu không biết gì về công ty của họ thì bạn đã mất điểm.

Nên nêu điểm mạnh, yếu của công ty, đó là điều bạn cần học hỏi, đồng thời là môi trường giúp mỗi nhân viên phát huy được khả năng của mình.

4. Mức lương mong muốn: Đôi khi nhà tuyển dụng sẽ đưa ra mức lương luôn. Nếu không hãy trả lời họ: “Em muốn mức lương được trả theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.

Quan trọng là bạn phải tự tin, nói năng rõ ràng, mạch lạc.Tác phong khi phỏng vấn: ngồi thẳng lưng, mắt nhìn thẳng hướng nhà tuyển dụng, tay để lên bàn hoặc phía trước nếu không có bàn.

Khi trả lời phỏng vấn, không nên nói lí nhí, ấp úng. Khi trình bày nên kết hợp diễn đạt ngôn ngữ nói và ngôn ngữ hình thể (Ảnh minh họa)

Diễn giả Đặng Tuấn Tiến cho biết, thông qua bài viết của mình, anh muốn nhắn nhủ đến các bạn sinh viên và bạn trẻ khi tìm việc, ngoài hai yếu tố tiên quyết gồm kỹ năng và kiến thức, thì một điều quan trọng nhất, không thể không nhắc đến chính là thái độ.

Thái độ thể hiện qua cách ứng viên giao tiếp, đối nhân xử thế và ý thức tìm hiểu kỹ thông tin về công ty trước khi đi phỏng vấn và điều mà nhà tuyển dụng rất để ý.

Đặng Tuấn Tiến thẳng thắn chia sẻ: “Cái cơ bản đầu tiên khi bạn muốn đàm phán lương với nhà tuyển dụng, đó là bạn phải xác định được giá trị bản thân mình cái đã.

Bạn phải biết mình làm được gì, đóng góp được gì cho công ty rồi mới có thể tự tin thỏa thuận lương. Lương mà thấp quá, thì bạn thiệt thòi, làm không bền.

Nhưng lương cao vượt khả năng của bạn, thì có khi chính bạn áp lực vì không đáp ứng được yêu cầu của công ty, thì bạn cũng tự “out” thôi”.

Cũng theo diễn giả trẻ thì qua khoảng thời gian dài tiếp xúc với các sinh viên, tân cử nhân các trường đại học, anh nhận thấy ưu điểm của những người trẻ ngày hôm nay là sự chủ động, tự tin rất cao. Ngoài ra, trong thời đại thế giới phẳng hiện nay, các bạn trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm dễ dàng hơn rất nhiều so với ngày trước, vì có rất nhiều trang web tuyển dụng ra đời, cung cấp nhiều cơ hội.

Tuy nhiên, hạn chế ở số đông các sinh viên là ngoại ngữ chưa thực sự tốt (học tiếng Anh nhưng không giao tiếp tốt được), thiếu kĩ năng mềm, thái độ, cách hành xử chưa chuyên nghiệp: tự tin thái quá, tâm lý đứng núi này trông núi nọ, nhảy việc nhiều hoặc ngược lại, một bộ phận lại quá rụt rè, nhút nhát…

Khi vừa ra trường, Tuấn Tiến cũng là chàng tân cử nhân thiếu kỹ năng, kinh nghiệm và mang tật nói lắp.

6 năm từ ngày tốt nghiệp, từ một người thiếu kinh nghiệm, Tuấn Tiến đã trở thành diễn giả, đặt chân qua 40 trường học khác nhau, tổ chức hàng trăm hội thảo nhằm hỗ trợ các sinh viên xây dựng hồ sơ hoàn hảo, chuẩn chỉnh và chuyên nghiệp, nâng cao tỷ lệ trúng tuyển khi tìm việc; huấn luyện và chia sẻ các kỹ năng mềm cơ bản như thuyết trình, giao tiếp, làm việc nhóm và viết CV.

Từ câu chuyện của mình, Đặng Tuấn Tiến còn muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ rằng hãy mạnh dạn thực hiện ước mơ của mình: “Khởi đầu một nghề nghiệp mà bạn đam mê là con đường nhanh nhất để bạn trải nghiệm và trưởng thành”.

Theo Tri Thức Trẻ

0 BÌNH LUẬN