Vệ sinh lọc gió cho Honda Air Blade

0
3266

Xe tôi là Honda Air Blade đã đi hơn 30.000km nhưng chưa bao giờ thay lọc gió. Nghĩ nó đã rất bẩn nên tôi tháo ra định vệ sinh thì thấy trên lọc gió có cảnh báo “Nghiêm cấm vệ sinh tấm lọc gió”, vậy tôi có thể vẫn vệ sinh tấm lọc và đi tiếp hay không?

Tấm lọc gió là một chi tiết cần phải thay thế định kỳ.

Chi tiết này có tác dụng lọc bẩn, ngăn bụi theo dòng khí nạp lọt vào động cơ. Đối với Honda Air Blade thì theo khuyến cáo của nhà sản xuất, chi tiết này cần được thay thế định kỳ cứ sau mỗi 16.000km, dưới yên xe cũng có ghi rõ khuyến cáo này.

Nếu bộ lọc đã quá bẩn, không khí sẽ khó đi vào động cơ dẫn đến xe không bốc khi vận hành, tốn nhiên liệu hơn so với bình thường, thậm chí có thể gây mất ga-rang-ti, nhất là mỗi khi khởi động lần đầu vào buổi sáng.

Có nhiều lý do để nhà sản xuất cảnh báo người dùng là tuyệt đối không nên vệ sinh tấm lọc gió này.

Thứ nhất đây là tấm lọc gió bằng giấy, việc vệ sinh có thể làm hỏng màng lọc, khiến bụi lọt vào động cơ nhiều hơn. Thứ hai, lọc gió của Honda Air Blade là dạng màng giấy lọc tẩm dầu, lớp dầu này đóng vai trò hút và giữ bụi bẩn trên màng lọc, không để bụi bẩn lọt vào bên trong động cơ, việc vệ sinh bằng các chất tẩy rửa có thể làm mất màng dầu này, khiến tác dụng giữ bẩn của bộ lọc không được đảm bảo, còn vệ sinh bằng cách thổi gió thông thường thì ít có tác dụng làm sạch màng lọc.

Trong trường hợp của bạn thì xe đã đi vượt quá xa thời điểm thay thế bộ lọc theo định kỳ là 16.000km, nên tốt hơn hết là cần phải thay thế. Việc thay thế bộ lọc này rất đơn, bạn có thể thực hiện tại các Head của Honda, hoặc đến các Head mua về rồi tự thay. Giá cả của một chiếc lọc gió của dòng xe này chỉ vào khoảng 75.000 đồng.

Lọc gió của Honda Air Blade nằm bên trong hộp nhựa màu đen ngay phía trên bộ truyền động. Chỉ cần tháo 6 vít quanh hộp nhựa này rồi nhấc hộp nhựa ra là bạn có thể nhìn thấy lọc gió. Lấy lọc gió cũ ra, đặt cái mới vào rồi lắp lại, việc này có thể chỉ mất chưa đến 3 phút.

Trong trường hợp không tiện hoặc chưa thể thay thế ngay, bạn vẫn có thể tạm thời vệ sinh màng lọc này để sử dụng tiếp. Tuy nhiên tuyệt đối không rửa màng lọc bằng nước hoặc bằng cả xăng hay dầu, mà chỉ xịt bằng khí nén áp suất vừa phải từ mặt bên trong ra ngoài hoặc dùng cọ mềm quét mặt bên ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây