Tử cung hai sừng có nguy hiểm với bà bầu?

0
3137

Tử cung hai sừng là một dạng dị tật bẩm sinh. Đây là một trong những dạng phổ biến nhất của bất thường tử cung. Hầu hết phụ nữ có tử cung hai sừng đều không biết mình bị dị tật này cho tới khi đi khám phụ khoa có chẩn đoán bằng hình ảnh hoặc khám thai.

Vậy tử cung hai sừng là gì? Dị tật này có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của phụ nữ và có nguy hiểm đối với bà bầu và thai nhi không? Mời bạn cùng Backhoa.net tìm hiểu về điều này nhé.

1. Tử cung hai sừng là gì?

Tử cung hai sừng (tử cung hình trái tim) là một thuật ngữ khoa học có nguồn gốc từ tiếng Latinh. Sở dĩ gọi là tử cung hai sừng vì hai bên tử cung có phần nhô lên giống như sừng, trong lòng tử cung có một vách ngăn.

2. Nguyên nhân gây ra tử cung hai sừng

Tử cung hai sừng là một dị tật bẩm sinh. Dị tật này hình thành do bất thường trong sự sát nhập hai ống cận trung thận (hay còn gọi là ống Mullerian) trong quá trình hình thành phôi thai. Nếu sự sát nhập này không hoàn toàn sẽ dẫn đến dị tật tử cung hai sừng, nặng hơn là tử cung đôi. Trong những trường hợp này, dung tích của tử cung nhỏ nên dễ dẫn đến các tình trạng như sinh non, vỡ ối sớm, thai nhẹ ký, ngôi thai bất thường… Hiện chưa có phương pháp y khoa nào có thể ngăn ngừa dị tật này.

3. Triệu chứng

Khoảng 3% phụ nữ có tử cung bất thường. Đó có thể là những bất thường về kích thước, cấu trúc hoặc hình dạng của tử cung. Tử cung hai sừng là một trong những dạng phổ biến nhất của bất thường tử cung.

Trong hầu hết các trường hợp, tử cung hai sừng không được phát hiện cho đến trước khi bạn đi khám phụ khoa hay mang thai. Đa phần phụ nữ có tử cung hai sừng đều không có dấu hiệu gì bất thường. Tuy nhiên, số ít phụ nữ có tử cung hai sừng có thể gặp một trong các triệu chứng sau:

  • Đau bụng và khó chịu trong những ngày rụng trứng
  • Đau quá mức khi có kinh nguyệt
  • Đau khi giao hợp
  • Sẩy thai nhiều lần.

Nếu có một hoặc nhiều các triệu chứng trên, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời.

4. Phương pháp chẩn đoán

Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định bạn khám và làm các xét nghiệm để có thể đưa ra được chẩn đoán chính xác nhất:

  • Khám vùng chậu
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp cản quang vòi trứng (hysterosalpingogram – HSG): chụp cận cảnh hoặc chụp X-quang tử cung và ống dẫn trứng sau khi tiêm thuốc nhuộm đặc biệt. Đây là một phương pháp y khoa không xâm lấn giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình hình để đưa ra cách điều trị tốt nhất.
  • Nội soi tử cung: Phương pháp này giúp bác sĩ đánh giá đúng tình trạng của tử cung để có thể đưa ra phương pháp điều trị chính xác, cũng như điều trị vấn đề chảy máu bất thường (nếu có).

5. Nguy cơ biến chứng thai sản với mẹ bầu có tử cung hai sừng

Mẹ bầu có tử cung hai sừng khi mang thai thường gặp các biến chứng sản khoa sau:

  • Dễ sẩy thai
  • Sinh non.

Phụ nữ có tử cung hai sừng có nguy cơ sẩy thai cao ở giai đoạn sau của thai kỳ và trẻ có nguy cơ bị chậm phát triển hoặc sinh non do thể tích của tử cung bị hạn chế. Nguyên nhân gây ra những biến chứng này có thể là do các cơn co tử cung bất thường hoặc bất thường hình dạng của tử cung khiến khả năng nuôi thai nhi của tử cung bị giảm hoặc vị trí bám của nhau thai trong lòng tử cung không thuận lợi.

Tỷ lệ sẩy thai ở thai phụ có tử cung hai sừng chiếm khoảng từ 1,8 – 37,6% các vụ sẩy thai, còn nguy cơ sinh non chiếm 15 – 20%. Trong trường hợp mẹ bầu sinh quá sớm, em bé sẽ được nuôi bằng lồng ấp và có sự giám sát, chăm sóc đặc biệt của nhân viên y tế.

Tử cung hai sừng thường có dung tích nhỏ làm hạn chế sự phát triển của thai nhi dẫn đến tình trạng thai nhi chậm phát triển. Thông thường cân nặng của thai nhi được sinh ra từ người mẹ có tử cung hai sừng sẽ nhẹ hơn 10% so với cân nặng của trẻ sinh ra cùng tuổi thai.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thai phụ có tử cung hai sừng có nguy cơ sinh con bị các dị tật bẩm sinh cao gấp 4 lần so với phụ nữ có tử cung bình thường. Song, bạn đừng quá lo lắng nếu có tử cung hai sừng vì đã có nhiều trường hợp phụ nữ có tử cung hai sừng vẫn sinh con khỏe mạnh.

6. Phương pháp điều trị

Thông thường, phụ nữ có tử cung hai sừng không cần phải điều trị hay phẫu thuật nếu chưa muốn sinh con. Song nếu bạn có kế hoạch mang thai hoặc từng sẩy thai nhiều lần, bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành phẫu thuật tái tạo tử cung. Lưu ý là sau khi tiến hành phẫu thuật, bạn phải chờ khoảng ba tháng mới được có thai. Việc này làm giảm nguy cơ thai phụ bị vỡ tử cung khi chuyển dạ, tránh cho mẹ và bé khỏi biến chứng thai sản nguy hiểm.

Thai phụ có tử cung hai sừng nên được theo dõi và kiểm tra sức khỏe thai kỳ thường xuyên nhằm giảm thiểu rủi ro cho thai nhi. Thai phụ có tử cung hai sừng có thể được chỉ định tiêm hormone progesterone càng sớm càng tốt. Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định tiêm progesterone ngay từ những tuần đầu tiên của thai kỳ, kéo dài cho đến khi thai được 36 tuần. Việc tiêm progesterone giúp làm dày thành tử cung hoặc niêm mạc tử cung giúp tử cung của mẹ bầu nuôi giữ em bé được lâu hơn. Nhờ đó, nguy cơ sinh non phần nào được giảm thiểu.

Thai phụ có tử cung hai sừng thường được bác sĩ chỉ định cho tiến hành mổ bắt con thay vì để sinh theo ngả âm đạo. Sinh mổ giúp giảm các biến chứng thai sản.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây