Quên không bật gương, hạ phanh tay, chưa tự tin vào chân côn, canh xe chưa tốt, không xác định được hướng khi lùi, lúng túng khi quay đầu xe trong ngõ hẹp, hoảng loạn khi xe bất ngờ chết máy… là những lỗi mà các tài mới hay mắc phải khi điều khiển xe ô tô.
Với những lái mới, cánh cửa ô tô được xem là cánh cửa giữa hai thế giới. Việc ngồi vào ghế lái, đóng cánh cửa lại và nắm lấy vô-lăng đồng nghĩa với việc các lái mới đã bước vào một thế giới khác. Thế giới này không có không gian thoáng đãng như khi điều khiển xe máy và lái mới không phải muốn quay đầu nhìn là quay được ngay. Theo kinh nghiệm của các tài già và tâm sự thật của các lái mới thì các lái mới thường xuyên mắc phải những lỗi dưới đây khi điều khiển ô tô.
1. Quên không bật gương, hạ phanh tay
Các tài mới thường quên không bật gương, hạ phanh tay trước khi điều khiển xe
Bật gương, hạ phanh tay là những động tác đầu tiên tài xế thực hiện khi ngồi vào ghế lái. Tuy vậy, với các lái mới, do quá tập trung vào việc làm sao cho xe chạy mà quên mất thói quen này. Để không bị quên thao tác này, các tài xế chỉ có cách là tạo một thói quen kiểm tra các thao tác này trước khi tra chìa khóa vào ổ. Hãy luôn nhớ trình tự: bật gương, cắm chìa khóa vào ổ, vào số và hạ phanh tay rồi mới điều khiển xe di chuyển.
2. Không tin tưởng vào chân côn
Do các lái mới chưa tin tưởng vào chân trái nên không dứt khoát trong việc nhấp nhả côn. Khi gặp đám đông, phản xạ đầu tiên của các tài mới là đạp lút côn mặc dù trên thực tế, họ hoàn toàn có thể để xe chạy thong thả một đoạn đường khá dài trước khi đạp côn và dừng lại. Cũng vì cảm giác chân côn chưa tốt nên hầu hết các lái mới đều côn trước phanh hoặc chạy bằng côn khi vào cua.
Để có thói quen cho chân côn, các tài mới cần nhấp nhả theo các mức khác nhau, không vội đạp lút côn khi chưa thực sự cần thiết. Khi sắp tới đèn đỏ hoặc gặp đám đông, hãy cứ để xe chạy từ từ và chỉ đạp côn về số khi thấy xe có hiện tượng rung vì trượt côn. Các tài xế có kinh nghiệm thường trả về N, cho xe chạy theo quán tính trước khi dừng đèn.
3. Canh xe chưa tốt
Các giáo viên tại các trung tâm đào tạo lái xe thường nhắc học viên do chưa có cảm giác khoảng cách ở góc phải nên khi đi trên đường cần chủ động canh sát bên trái gần dòng xe ngược chiều hoặc dải phân cách, tạo ra một khoảng cách an toàn cho bên phải. Vậy nhưng, khi gặp vào ngõ hẹp hoặc gặp lúc tắc đường lại là ác mộng với các lái mới. Các lái mới thường xuyên bị va quyệt vào tường vì lấy cua sớm, lùi xe không canh phía sau.
Để canh tốt, các tài xế mới hãy chọn chỗ trống, dựng những chướng ngại vật nhân tạo và tập luyện thường xuyên. Các lái mới cần tập luyện quan sát, ghi nhớ các vị trí, tập nhích ra xa, tiến lại gần để quen với cảm giác chân ga và khoảng cách với các vật thể.
4. Không xác định được phương hướng khi lùi
Các tài xế mới thường gặp khó khăn khi xác định phương hướng để lùi xe
Các tài xế mới thường hay mắc lỗi khi lùi xe để ghép song song vào chỗ đậu. Khi đánh một vòng lái, xe sẽ nằm chéo so với góc đỗ. Lúc này, quan sát trong gương, các lái mới sẽ không biết xe mình đang ở vị trí nào, cách tường hay các xe khác bao xa và lúc đó, họ bắt đầu hoảng loạn.
Để khắc phục điều này, chỉ có cách duy nhất là phải tập luyện nhiều. Các tài mới cần tham khảo cách đỗ xe song song trên mạng để tập làm quen.
5. Ác mộng khi quay đầu trong phố hẹp
Việc quay đầu xe trong ngõ hẹp thực sự là ác mộng đối với các lái mới nhất là các tài xế điều khiển xe số sàn. Vì dòng xe cộ liên tục di chuyển nên các tài mới thường sợ nhích chân ga, chân côn sẽ đâm vào người khác.
Để việc quay đầu xe trong ngõ hẹp trở nên đơn giản và nhẹ nhàng, các tài mới cần chủ động nhích xe từng chút một chứ không chờ cho hết xe này đến xe khác qua vì chỉ cần một khoảng trống nhỏ là dòng người điều khiển xe trong phố sẵn sàng băng qua. Khi điều khiển xe quay đầu, các tài xế cần quan sát gương ở cả hướng tới và hướng đối diện để đảm bảo không va quyệt với các phương tiện tham gia giao thông khác.
6. Cảm giác tội lỗi, xấu hổ khi chết máy
Khi dừng đèn đỏ, chuẩn bị đi tiếp mà xe bị chết máy, các tài mới thường có cảm giác xấu hổ, có lỗi vì cho rằng mình đang cản trở những người đi sau. Trong trường hợp xe chết máy trên, các lái xe cần thật bình tĩnh và xác định đây là chuyện bình thường. Việc tiếp theo mà các tài mới cần làm là quan sát các hướng và từ từ di chuyển xe thật an toàn, tránh việc quá vội vàng khiến cho xe chồm lên, đâm vào các xe phía trước.
7. Nhầm chân ga với chân phanh
Các tài mới rất thường nhầm chân ga với chân phanh. Trong những tình huống bất ngờ, thậm chí, có tài xế đang chạy trên đường bình thường, chạy chậm để dừng lại vẫn đạp nhầm chân ga thay vì đạp chân phanh.
Để không bị nhầm lẫn, các tài xế hãy tập thói quen để chân chữ V. Để gót chân nghiêng về phía chân phanh và chỉ xoay gót để dùng mũi nhích chân ga. Khi không ga, hãy ngay lập tức chuyển sang đặt hờ ở chân phanh. Nhờ vậy, nếu có gặp tình huống bất ngờ thì phản xạ cũng sẽ là đạp thẳng.
8. Hay nhìn đồng hồ khi đi cao tốc
Các tài xế mới thường bị chi phối bởi bảng đồng hồ lái
Các tài xế mới rất thường bị ảnh hưởng bởi những dấu hiệu lạ trên bảng đồng hồ lái. Điều này càng diễn ra thường xuyên khi tài mới điều khiển xe di chuyển trên cao tốc. Do chưa quen với chân ga cũng như cảm giác tốc độ nên họ thường xuyên nhìn đồng hồ để canh chừng tốc độ.
Để hạn chế việc hay bị ảnh hưởng bởi bảng đồng hồ lái, các tài mới nên chạy ở làn trong với vận tốc nhỏ hơn giới hạn tốc độ tối đa tầm 10 km/h. Với tốc độ này các tài mới sẽ yên tâm, tập trung vào việc lái xe chứ không bị ảnh hưởng nhiều bởi bảng đồng hồ lái nữa.