Buồn ngủ hoặc ngủ gật khi lái xe ô tô sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Chính vì thế, các bác tài luôn tìm hiểu những mẹo hay chống cơn buồn ngủ ”ghé thăm” khi đang điều khiển phương tiện nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh.
I. Hậu quả của việc tài xế buồn ngủ, ngủ gật khi lái xe ô tô
Cùng với sự phát triển của xã hội, con người cũng phải đối diện với rất nhiều áp lực. Bên cạnh đó, thói quen sinh hoạt không hợp lý khiến cho nhiều người thường xuyên rơi vào tình trạng gặp stress, mất ngủ triền miên ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi thiếu ngủ, con người không tỉnh táo và tập trung để làm việc. Điều này đặc biệt gây ra hậu quả nghiêm trọng khi mọi người cầm lái các phương tiện lưu thông trên đường.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy buồn ngủ cũng giống như khi con người uống rượu, đó là rơi vào tình trạng mơ màng, không thể tập trung. Và việc lái xe ô tô trong tình trạng buồn ngủ hoặc ngủ gật sẽ rất dễ mất kiểm soát hay không thể xử lý những tình huống khẩn cấp phát sinh bất ngờ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
trích dẫn thống kê của Hiệp hội An toàn Giao thông của Mỹ (Governors Highway Safety Association, GHSA) cho thấy hàng năm có khoảng hơn 300.000 vụ tai nạn xảy ra do tài xế buồn ngủ khi đang điều khiển phương tiện khiến cho con số thương vong lên đến 6.400 người. Khi tiến hành khảo sát kỹ hơn, Hiệp hội xe hơi của Mỹ đưa ra con số tỷ lệ 7-1, có nghĩa là cứ 7 người thì có 1 người cho biết họ từng ngủ gật khi đang lái xe ô tô. Còn ở Australia, 29% tài xế chia sẻ họ từng lái xe trong tình trạng buồn ngủ mơ màng ít nhất là 1 lần/1tháng, thậm chí có tới 20% trong số đó thừa nhận họ đã ngủ gật sau tay lái.
Có thể thấy, các tài xế lái xe ô tô đường dài hoặc thường xuyên phải lái xe vào ban đêm thường hay bị buồn ngủ và ngủ gật nhất. Bởi việc lái xe đường dài khiến họ mệt mỏi trong khi cầm lái vào buổi tối khiến họ bị đảo lộn nhịp sinh hoạt bình thường. Nên cánh tài xế vẫn thường nói với nhau về việc ngủ gật khi lái xe cũng tựa như “nhắm mắt thấy tử thần’ và trở thành nỗi lo sợ, ám ảnh đối với họ.
Chính vì thế, mặc dù biết hút thuốc hay uống cà phê quá nhiều thật sự không tốt cho sức khỏe thế nhưng các bác tài vẫn không thể từ bỏ thói quen này. Bởi trong cà phê hay thuốc lá có chất nicotin giúp cho họ cảm thấy tỉnh táo, hưng phấn và tập trung vào việc lái xe tốt hơn.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ và những tài xế có nhiều năm, có nhiều cách để giúp cho cánh lái xe có thể chống chọi lại cơn buồn ngủ tạm thời hoặc thậm chí là đánh bay cơn mơ màng do thiếu ngủ mà không cần quá lạm dụng tới cà phê và thuốc lá.
II. Mẹo chống lại cơn buồn ngủ tạm thời khi lái xe ô tô dành cho các tài xế
Theo đó, ngoài cà phê và thuốc lá, các tài xế có thể sử dụng cách sau để tạm thời vượt qua cơn buồn ngủ:
- Uống nước lọc
- Uống nước tăng lực
- Nhấm một chút ớt tươi
- Hít một chút bột/hương hạt tiêu
- Ngậm 4-5 vụn trà mạn sấy khô
- Ăn sô cô la
- Nhai kẹo cao su
- Ngậm lát chanh tươi
- Ngửi mùi hương của lá hương thảo, húng quế và bạc hà
- Lau mặt bằng khăn lạnh
- Chợp mắt trong giây lát
III. Kinh nghiệm chống buồn ngủ hoặc ngủ gật khi lái xe ô tô
Mặc dù hiện nay trên thị trường ô tô, một số mẫu xe được trang bị công nghệ hiện đại hỗ trợ cho người lái và đưa ra cảnh báo khi nhận diện thấy tài xế đang điều khiển phương tiện trong tình trạng thiếu tỉnh táo. Tuy nhiên tài xế vẫn là người trực tiếp cầm lái, chính vì thế tự bản thân họ phải điều chỉnh để luôn giữ vững vô lăng, bảo vệ an toàn cho bản thân cũng như cho những người lưu thông xung quanh.
Ngoài những mẹo hay kể trên, các tài xế cũng nên tham khảo những kinh nghiệm chống buồn ngủ/ngủ gật để đảm bảo luôn tỉnh táo khi lái xe ô tô của các chuyên gia đến từ sau đây:
1. Tư thế ngồi
Lái xe cần đảm bảo có tư thế ngồi đúng, thoải mái nhất có thể để điều khiển xe ô tô. Lưu ý, cách tốt nhất khi lái xe ô tô, tài xế cần ngồi thẳng lưng, vừa tốt cho cột sống vừa giảm thiểu sự mệt mỏi do ngồi không đúng tư thế. Cùng với đó, đôi mắt cần hoạt động tần suất nhiều hơn để vừa quan sát bao quát mọi tình hình xung quanh vừa có thể hạn chế đi sự đơn điệu dẫn đến những cơn buồn ngủ.
2. Không được uống rượu bia
Đây là nguyên tắc khi lái xe mà bất cứ tài xế nào cũng cần phải tuân thủ.
3. Nghỉ ngơi hợp lý trên lộ trình di chuyển
Khi lái xe ô tô, tài xế cần lưu ý có thời gian nghỉ ngơi hợp lý trên lộ trình di chuyển. Dừng xe hoặc xuống xe, vận động cơ thể và hít thở không khí bên ngoài sẽ giúp cho tinh thần sảng khoái hơn và đẩy lùi sự ghé thăm của những cơn buồn ngủ.
Thông thường, cứ lái xe khoảng gần 2-3 tiếng thì tài xế nên thu xếp để có thể dừng chân giữa hành trình.
4. Dừng hẳn xe nếu cảm thấy quá buồn ngủ
Trong trường hợp không thể chống lại cơn buồn ngủ đang kéo ập đến, tốt nhất tài xế nên tìm một vị trí đỗ xe an toàn để có thể nghỉ ngơi và ngủ trong 1 thời gian ngắn. Hành động này sẽ giúp tài xế nạp đầy ‘vitamin tỉnh táo’ để có đủ năng lượng tiếp tục chuyến hành trình.
5. Hạn chế lái xe vào buổi trưa và tối khuya
Nếu như không bắt buộc, hãy lựa chọn thời điểm lái xe để giúp cho bản thân có cuộc hành trình thật sự thuận lợi và an toàn.
6. Nghe nhạc/nghe đài khi lái xe
Để tạo ra bầu không khí sôi nổi, bạn có thể nghe một bản nhạc vui tươi hoặc nghe đài để cảm thấy đỡ nhàm chán và tạo tinh thần phấn khởi trong khi lái xe. Tuy nhiên, các chuyên gia có lời khuyên đối với cánh tài xế nếu cảm thấy quá buồn ngủ thì không nên nghe nhạc/nghe đài bởi vì tại thời điểm đó những giai điệu êm ái này sẽ là chất xúc tác khiến bạn nhanh đi vào giấc ngủ hơn.
Ngoài những bí kíp vàng đã chia sẻ trên, các tài xế cần phải có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để có đầy đủ sức khỏe cũng như tinh thần tỉnh táo để lái xe ô tô an toàn. Hạn chế ăn đồ ăn nhanh có nhiều đường, dầu mỡ, cần tăng cường ăn các thức ăn có vitamin B6, B12, C, canxi và protein…