Triệu chứng bệnh trĩ
Trong dân gian, bệnh trĩ hay còn gọi là bệnh lòi dom, là bệnh được tạo thành do sự phình tĩnh mạch ở mô xung quanh hậu môn.
Bệnh trĩ khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại, hầu như ai cũng đã từng có những triệu chứng của bệnh này trong suốt cuộc đời. Tỷ lệ mắc bệnh giữa 2 giới nam, nữ là tương đương nhau.
Trên 50% phụ nữ bị trĩ trong giai đoạn mang thai hay sau sinh.
Thời điểm thai phụ dễ mắc bệnh trĩ thường nằm trong khoảng 3 tháng cuối của thai kỳ hoặc những người mang thai lần đầu tiên. Thai phụ mắc bệnh trĩ không phải vấn đề hiếm gặp và nếu bạn mắc trĩ trước khi mang thai thì bệnh sẽ có xu hướng phát triển trong những giai đoạn tiếp theo của thai kỳ, triệu chứng chảy máu nhiều khi đi ngoài có thể dẫn đến thiếu máu, đe dọa lớn đối với sức khỏe của bạn cũng như thai nhi. Không có cách nào để điều trị dứt điểm ngoài việc chờ sinh xong.
Thời điểm thai phụ dễ mắc bệnh trĩ thường nằm trong khoảng 3 tháng cuối của thai kỳ (Ảnh minh họa: Internet)
Với những triệu chứng như đi ngoài ra máu, đau rát, luôn có cảm giác vướng, khó chịu, sờ thấy búi trĩ ở hậu môn…, bệnh trĩ làm cho người bệnh đau đớn, khó chịu, tinh thần không thoải mái. Thậm chí, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm như:
Tắc mạch: Bệnh nhân sẽ có cảm giác rất đau rát, có khi cục máu đông gây hoại tử phía da gây rỉ máu. Bệnh nhân đau ở trong sâu, có cảm giác gợn cộm như có một vật lạ nằm trong lòng ống hậu môn.
Nghẹt: Búi trĩ hay vòng trĩ sa ra ngoài, mạch có thể bị tắc gây phù nề và do đó không thể tự thụt lại vào trong lòng trực tràng được. Khi nhìn, thấy mặt ngoài của trĩ sa nghẹt là da màu xám, ở mặt trong là niêm mạc màu nâu đỏ, sưng nề, rải rác có những nốt xám đen là do hiện tượng hoại tử bắt đầu.
Nhiễm khuẩn do trĩ: Thường là viêm khe, viêm nhú. Biểu hiện của viêm khe, viêm nhú là cảm giác ngứa ngáy hay nóng rát. Soi hậu môn thấy các nhú phù nề sưng to, màu trắng, các khe nằm giữa các búi trĩ bị loét nông, màu đỏ.
Cần đề phòng tình trạng bội nhiễm. Nếu trĩ thòi ra ngoài lâu, chảy máu liên tục thì rất dễ bị bội nhiễm vi khuẩn bởi vì hậu môn là đường ra của phân mà trong phân có vô số vi khuẩn gây bệnh.
Nguyên nhân
Theo TS. Vũ Thị Lừu – Chuyên khoa Nội – Tiêu hóa-Bệnh viện E, cho biết:
‘Có nhiều nguyên nhân khiến thai phụ bị mắc bệnh trĩ trong lúc mang thai. Khi mang thai, tuần hoàn máu trong cơ thể tăng lên, khiến các tĩnh mạch giãn nỡ. Thai càng lớn, sự chèn ép của tử cung lên tĩnh mạch càng cao, tĩnh mạch phần dưới trực tràng càng giãn to khiến thai phụ dễ mắc bệnh trĩ.
Ngoài ra, do thai phụ thay đổi nội tiết, bổ sung nhiều canxi và sắt hơn thường ngày, ít vận động… sẽ dẫn đến táo bón. Việc gắng sức khi rặn để tống phân ra ngoài có thể tạo sức ép làm các tĩnh mạch bị giãn và dẫn đến trĩ.
Giải pháp
Nếu bạn đang có dấu hiệu bị trĩ ngoại, bạn có thể thử những cách sau:
– Tắm nước ấm: Tắm và ngâm mình trong nước ấm có thể giúp bệnh trĩ thuyên giảm đáng kể do máu được kích thích lưu thông dễ dàng.
– Tránh ngồi quá lâu: Việc ngồi quá lâu một chỗ sẽ làm tăng áp lực đối với các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng, tăng mức độ nặng của bệnh trĩ. Vì vậy, thai phụ nên thường xuyên đi lại hoặc nằm xuống nghỉ ngơi thay vì ngồi quá lâu.
– Tránh hiện tượng táo bón bằng cách ăn nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước.
– Tập thể dục: Đi bộ nhẹ nhàng hay tập các bài tập liên quan tới xương chậu.
Nếu đã áp dụng các cách trên mà bệnh tình không thuyên giảm mà có dấu hiệu nặng hơn, bạn nên đi khám bác sĩ’.