Dịch đau mắt đỏ đang vào mùa khiến nhiều người lo lắng. Trong đó các bà bầu có nguy cơ mắc bệnh khá cao vì thời gian bầu bí, hệ miễn dịch suy giảm.
Sợ kháng sinh chữa sai cách
Bác sĩ lưu ý, sau khi chữa khỏi đau mắt đỏ, bà bầu thể trạng kém, miễn giảm dịch nên dễ bị các vi khuẩn khác tấn công gây viêm mắt.
Bác sĩ Nguyễn Thu Thủy, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết, Bệnh viện đã từng tiếp nhận trường hợp người bị đau mắt đỏ lai rai đến tận 2 tháng vì chữa bệnh bằng các cách dân gian như thổi gừng, xông lá trầu thay vì dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Bà bầu sử dụng được kháng sinh
Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, đau mắt đỏ đang bước vào đỉnh dịch nên số người mắc sẽ rất cao. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Phụ nữ mang thai cơ thể có sự giảm sút khả năng miễn dịch nên rất dễ bị lây bệnh.
“Nhiễm virus trong thời kỳ thai nghén đều có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến thai. Tuy nhiên, với các trường hợp đau mắt đỏ, khả năng gây ảnh hưởng đến thai rất thấp”, BS Cương cho biết.
Điều lo lắng nhất là bà bầu khi có triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ lại không đi khám bác sĩ mà tự ý dùng thuốc, khi đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Một phụ nữ mang thai khám đau mắt đỏ ở BV Mắt Trung ương.
Đối với những trường hợp đau mắt đỏ, viêm loét giác mạc, tắc mạch máu võng mạc… thì nên tránh hoặc hạn chế tối đa dùng thuốc đối với bệnh nhân đang có thai trong 3 tháng đầu.
Trường hợp cần phải dùng thuốc thì nhất định phải đi khám bác sĩ để được kê đơn. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng của từng bệnh nhân, khi cái lợi nhiều hơn cái hại, bác sĩ sẽ kê đơn. Hiện nay, hai loại thuốc là Hylene và Toeyecin được chỉ định có thể sử dụng cho bà bầu.