Thẻ tín dụng với nhiều hạn mức đa dạng giúp bạn có ngay những gì bạn muốn mua dù có hay không có tiền mặt. Đó là một trong nhiều lí do tiêu biểu để thuyết phục bản thân hài lòng khi sử dụng. Tuy nhiên, cũng không khó để hiểu tại sao chúng ta dễ dàng trở thành một con nợ.
Trước khi bắt đầu sử dụng thẻ tín dụng, bạn cần có một vài kiến thức cơ bản để tránh khỏi những rắc rối liên quan. Backhoa đã chỉ ra 9 vấn đề của thẻ tín dụng để bạn tự rút ra câu trả lời cho bản thân về việc nên hay không nên dùng.
Không giúp bạn tự kiểm soát tiền
Không tự chủ về tiền bạc có thể “cướp” đi sự an toàn tài chính của bạn, đặc biệt là đối với những người thường “bốc đồng” khi mua sắm.
Thẻ tín dụng cũng vậy, nó sẽ khiến bạn tùy ý tiêu một cách khó kiềm chế với suy nghĩ mình có thể trả lại sau. Do đó, việc tự kiểm soát bản thân trong chi tiêu sẽ không được rèn luyện, dù điều này có thể nhàm chán nhưng mang lại nhiều lợi ích.
“Bỏ bê” ngân sách đã thiết lập
Đừng nói là bạn không từng thiết lập ngân sách. Đối với nhiều người, ngân sách là một công cụ tuyệt vời để kiểm soát chi tiêu. Thật dễ dàng quên khoản chi cần thiết trong khi lại tiêu quá mức cho vài bộ quần áo, dĩ nhiên điều này sẽ khiến bạn gặp rắc rối sớm.
Giải pháp đơn giản là lên kế hoạch chi tiêu và liệt kê ra mọi thứ. Lập ngân sách có thể đơn giản chỉ là viết ra một danh sách bao gồm số tiền bạn kiếm được trong một tháng và tổng các chi phí cố định. Phần còn lại sẽ cho bạn biết bạn có thể chi bao nhiêu.
Tính lãi cao
Lãi suất thẻ tín dụng khá cao, khiến cho việc mua hàng của bạn trở nên đắt đỏ hơn bình thường. Nếu bạn không có tiền mặt để trả, bạn có chắc là sẽ đồng ý trả đắt hơn bằng cách thêm lãi vào giá?
Ví dụ, nếu bạn mua một mặt hàng với giá 1.000 USD bằng thẻ tín dụng với lãi suất 18% và thanh toán tối thiểu mỗi tháng, cuối cùng bạn sẽ trả 175 USD tiền lãi sau một năm và vẫn còn nợ 946 USD khi mua hàng.
Lãi tăng trên số tiền chưa thanh toán
Tỉ lệ “lãi” hàng năm (APR) là con số mà bạn cần nghĩ đến khi dùng thẻ tín dụng vì nó có thể tăng nếu số dư chưa được thanh toán đầy đủ. Đó là lý do tại sao APR 8,99% có thể dễ dàng tăng vọt lên thành 29,99% trong chớp mắt.
Bạn có mạnh dạn tuyên bố “Tôi sẽ thanh toán đầy đủ số dư của mình ngay khi đến hạn”? Dù đó là một quyết tâm tốt, nhưng điều gì sẽ đảm bảo bạn không bị “trật bánh” bởi những chi phí phát sinh không lường trước được?
Ảnh hưởng xấu đến điểm tín dụng
Nếu số dư thẻ tín dụng không được thanh toán, điểm tín dụng của bạn sẽ bắt đầu giảm và bạn có thể bị tính một mức tăng lãi suất bất ngờ cho các khoản bảo hiểm của mình. Các công ty bảo hiểm thường sẽ kiểm tra điểm tín dụng khi tính phí bảo hiểm và khi đó sẽ cho rằng bạn không thể thực hiện thanh toán đúng hạn các hóa đơn của mình.
Ngoài ra, một số nhà tuyển dụng có thể kiểm tra tín dụng đối với ứng viên và có thể không thuê bạn nếu điểm của bạn quá thấp.
Trong trường hợp bạn cần mua nhà, điểm tín dụng sẽ thực sự quan trọng vì nó cấu thành nên hồ sơ của bạn, nếu thấp sẽ khiến người cho vay xác định mức lãi suất cao hơn đối với bạn, thậm chí chưa chắc bạn đủ điều kiện cho khoản vay của mình.
Tác động xấu đến các mối quan hệ
Các nghiên cứu chỉ ra rằng các cặp vợ chồng và gia đình thường tranh cãi về lí do tài chính nhiều hơn các vấn đề khác. Tiền bạc sẽ trở nên đặc biệt nhạy cảm khi không có đủ. Do đó, thay vì lạm dụng thẻ tín dụng và chi tiêu quá mức, các cặp đôi nên chi tiêu dựa trên ngân sách và tự kỉ luật tài chính cùng nhau.
Chi tiêu nhiều hơn
Nhiều người có xu hướng chi tiêu nhiều hơn do mua các mặt hàng không cần thiết hoặc quá đắt khi họ thanh toán bằng thẻ tín dụng thay vì tiền mặt. Đây là vấn đề tâm lí bởi khi bỏ ra 1.000 USD ngay lập tức dường như sẽ không quá thay đổi cuộc sống của bạn nếu chỉ cần kí biên nhận và không phải suy nghĩ về việc trả tiền trong khoảng một tháng.
Trong khi đó, rõ ràng bạn có thể cảm nhận việc 100 USD trong tay “bay mất” còn ví thì “nhẹ” hơn khi thanh toán bằng tiền mặt.
Có thể dẫn đến phá sản
Nếu bạn không có kế hoạch hoàn trả cho số tiền bạn đã tiêu bằng thẻ tín dụng, hoặc nếu kế hoạch của bạn bị xáo trộn vì bạn mất việc hoặc đột nhiên phải lo các khoản đau ốm, bạn có thể sẽ cảm thấy vô vọng vì nợ nần.
Tuyên bố phá sản sẽ để lại một “vết sẹo” trong lịch sử tín dụng của bạn tối đa 10 năm và sau đó, bạn phải xây dựng hạng tín dụng tốt trở lại.
Căng thẳng về tiền bạc
Nếu bạn không dùng thẻ tín dụng hay nợ tiền, bạn sẽ không phải lo lắng về các khoản phí trễ hạn, lãi suất, phí hàng năm, … Cách tốt nhất để dành tặng bản thân một món đồ gì đó là tiết kiệm và mua nó khi bạn thực sự có thể mua được. Sự an tâm và không căng thẳng về tiền bạc sẽ không đi cùng với việc sử dụng thẻ tín dụng thường xuyên.
Tín dụng sẽ hoạt động tốt khi số dư được trả hết mỗi tháng nhưng có thể sẽ là “thảm họa” nếu bạn quản lí chi tiêu kém. Sự tiện lợi, khả năng bảo mật và các ưu đãi khi dùng thẻ tín dụng làm cho chúng trở thành công cụ tài chính tuyệt vời, nhưng hãy xem xét kĩ các rủi ro trước khi sử dụng.