Việc đưa những thông tin không trung thực vào hồ sơ xin việc nhằm gây ấn tượng với nhà tuyển dụng không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, cách làm này luôn mang tới những rủi ro cho ứng viên.
Những lời nói dối trên hồ sơ xin việc có thể được nhà tuyển dụng dễ dàng phát hiện thông qua một vài thao tác kiểm chứng đơn giản. Măc dù vậy, một nghiên cứu thực hiện năm 2012 ở Mỹ cho thấy, có tới hơn hơn một nửa số lý lịch xin việc (resume) ở nước này có thông tin không chuẩn xác.
Có nhiều lý do để các ứng viên “bốc phét” trong resume, nhưng mục đích cuối cùng vẫn là để có một bản lý lịch “bóng bẩy” hơn nhằm lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng. Cho dù lý do của hành vi nói dối là gì, thì hậu quả của nó có thể lớn hơn việc bạn chỉ đơn thuần bị nhà tuyển dụng phát hiện.
Dưới đây là 10 lời nói dối phổ biến nhất trong resume mà hãng tư vấn Marquet International đã xác định:
1. Kéo dài thời gian làm việc ở các công ty cũ
Thời gian làm việc dưới 1 năm ở một công ty cũ nào đó có thể khiến hồ sơ xin việc của bạn “kém đẹp”. Bởi thế, thay vì nói sự thật, nhiều người chọn cách “kéo giãn” thời gian làm việc của mình ở công ty cũ hơn thực tế khi ghi vào hồ sơ. Chỉ cần một cú điện thoại tới công ty cũ của bạn, nhà tuyển dụng có thể phát hiện ngay bạn nói dối.
2. “Thổi phồng” những thành tích đã đạt được và kỹ năng
Có sự khác biệt lớn giữa một bên là cải thiện các kỹ năng và thành tích của bạn trên thực tế với việc nói dối về các kỹ năng và thành tích đó. Nếu bạn không đạt được thành tích, hoặc không có một số kỹ năng nhất định nào đó, đừng nói là bạn có những thứ đó trong hồ sơ xin việc.
3. “Nâng” chức vụ và trách nhiệm ở công ty cũ
Chiêu nói dối này cũng sẽ bị phát hiện ngay nếu nhà tuyển dụng gọi cho công ty cũ của bạn. Tuy nhiên, nhiều nhà tuyển dụng không nhất thiết kiểm tra tất cả mọi ứng viên. Mặc dù vậy, việc nói quá về chức vụ và trách nhiệm của bạn trong quá khứ có thể đặt bạn vào những tình huống “dở khóc dở cười” nếu bạn được tuyển và giao cho những nhiệm vụ tương tự, trong khi bạn chưa đủ tầm để thực hiện những nhiệm vụ đó.
4. “Nói quá” về nền tảng giáo dục, đưa ra bằng cấp giả mạo
Lời nói dối này rất dễ đưa bạn đến kết cục bị sa thải trong trường hợp bạn được tuyển dụng. Ngoài ra, bạn có thể bị pháp luật “sờ gáy” nếu nhà tuyển dụng có hành động pháp lý chống lại bạn. Những rủi ro như vậy là quá lớn để bạn dấn thân vào.
5. Không giải thích về những khoảng thời gian không có công ăn việc làm hoặc “tự kinh doanh”
Thay vì “phịa” ra một công việc không có thật để “tram” vào những khoảng thời gian bạn thất nghiệp, tốt hơn hết bạn luôn nói thật. Nếu bạn dành thời gian để chăm sóc con nhỏ, đi học nâng cao, hoặc đơn giản là để cân bằng lại bản thân, không nhà tuyển dụng nào sẽ đánh giá thấp bạn.
6. “Giấu nhẹm” công việc cũ
Về mặt kỹ thuật, đây không phải là nói dối. Tuy nhiên, hẳn là có một lý do nào đó khiến bạn không nêu công việc mà bạn đã từng làm trong lý lịch xin việc. Có thể là bị bạn bị sa thải ở công việc đó và phá hỏng mọi mối quan hệ với công ty cũ. Tuy nhiên, hãy cố gắng thành thật.
7. Giả mạo thư giới thiệu
Cũng giống như nói dối về bằng cấp, lời nói dối này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng tới toàn bộ sự nghiệp của bạn. Như vậy là đã đủ nói để bạn không nên mạo hiểm chút nào.
8. Nói dối về lý do thôi việc ở công ty cũ
Có nhiều cách khôn ngoan để bạn giải thích về việc bị sa thải hoặc thôi việc đột ngột ở công ty cũ, và hoàn toàn không phải là nói dối. Vì vậy, hãy tìm ra cách tốt nhất để giải thích vấn đề một cách tích cực nhất có thể.
9. Cung cấp thông tin tham khảo (refrence) không trung thực
Nếu bạn thông đồng với bạn bè và gia đình để nói dối như thể họ là những người để tham khảo thông tin nghề nghiệp về bạn, thì cả bạn lẫn họ đều có thể gặp rắc rối. Hãy tôn trọng những người thân và tìm nơi cung cấp thông tin tham khảo có thật.
10. Nói dối về việc phục vụ trong quân ngũ
Những người từng phục vụ trong quân ngũ có thể được hưởng ưu đãi trong quy trình tuyển dụng của một số lĩnh vực hay doanh nghiệp nhất định. Bởi vậy, một số người có thể sẽ muốn nói dối về vấn đề này. Tuy nhiên, đây là một lời nói dối nhạy cảm khác trên hồ sơ xin việc, có thể ảnh hưởng bất lợi tới tương lai của bạn.
Trung thực vẫn là chính sách tốt nhất
Việc nói dối trên hồ sơ xin việc sẽ không kết thúc cho dù bạn được tuyển. Bạn sẽ phải đi cùng những lời nói dối này trong suốt sự nghiệp, vì chỉ cần bạn sơ hở, mọi chuyện sẽ bị lộ ngay. Liệu bạn có thể chịu được tình trạng lúc nào cũng phải cảnh giác?
Bạn lo lắng rằng, những thông tin thực sự về bạn sẽ không đem đến một hồ sơ sáng sủa và bạn sẽ khó long được tuyển. Tuy nhiên, không nhà tuyển dụng nào đòi hỏi bạn phải là một ứng viên hoàn hảo. Nếu như họ không tuyển bạn vì bạn nói thật, thì đó có lẽ không phải là công việc phù hợp dành cho bạn.